1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tư nhân được làm truyền tải, bước đột phá cho ngành điện

Trường Thịnh Dương  Minh

(Dân trí) - Việt Nam mỗi năm cần 7-10 tỷ USD để phát triển nguồn điện, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng truyền tải. Vì vậy, chính sách cho tư nhân tham gia truyền tải được xem là bước đột phá phát triển năng lượng.

Ngày 11/2, Nghị quyết số 55/NQ/TW của Chính phủ được về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành.  Theo đó, đã tạo sự đột phá cho phát triển năng lượng đất nước mà nội dung quan trọng đó là "khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng".  

"Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng", Nghị quyết 55 nêu rõ.

Tư nhân được làm truyền tải, bước đột phá cho ngành điện - 1
Những dự án năng lượng tái tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước.

Ngày 22/7, Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam về triển khai Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị do Ban Kinh tế trung ương và Chính phủ đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội. 

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành năng lượng đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt thách thức về nguồn năng lượng sơ cấp ở Việt Nam ngày càng giảm như than, khí... 

Do đó, Việt Nam phải nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp để phục vụ nhu cầu trong nước. Cho nên giảm khả năng tự chủ, tăng sự phụ thuộc vào nền kinh tế khác.

Ông Trịnh Đình Dũng cũng băn khoăn khi nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ, nhất là các dự án nguồn điện.

Theo Phó Thủ tướng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng trong huy động nguồn lực phát triển năng lượng, trong đó có đầu tư của khu vực tư nhân.

Ông Trịnh Đình Dũng cho biết, để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần từ 7-10 tỷ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải. Do đó cần cơ chế chính sách để huy động nguồn lực.

Tư nhân được làm truyền tải, bước đột phá cho ngành điện - 2
Tư nhân tham gia xây dựng đường dây truyền tải 500kV từ Ninh Thuận đi Bình Thuận

Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới, cho phép chúng ta tin tưởng vào một chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, để định hướng phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư ngành năng lượng tại Việt Nam tỏ rõ sự vui mừng về chính sách tư nhân hóa truyền tải điện của Đảng và Nhà nước. 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời và mới đây là đường dây truyền tải 550KV, 220KV hòa lưới quốc gia chia sẻ: "Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã khiến giới doanh nghiệp tư nhân hết sức vui mừng".

Đại diện Trungnam Group cho biết đã được đầu tư nhà máy điện 450MW kết hợp với đường dây và trạm 500kV. Trạm của Trung Nam đầu tư thuộc vào một trong những trạm lớn nhất của EVN, dự kiến tháng 9 này sẽ đóng điện 100%.

Theo ông Tiến, đây là bước đột phá khi Chính phủ cho phép tư nhân tham gia mạng lưới truyền tải điện quốc gia. Dù các doanh nghiệp tư nhân bước đầu chỉ tham gia vào phạm vi hẹp, nhưng Nghị quyết 55 đã giải quyết hai vấn đề lớn mà tư nhân quan tâm.

Tư nhân được làm truyền tải, bước đột phá cho ngành điện - 3
Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV, 220kV tại Ninh Thuận được xem là dấu mốc lịch sử ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng

Một là các thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào việc phát triển và truyền tải nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, Nghị quyết là tháo bỏ tất cả rào cản và xóa bỏ độc quyền, để tư nhân tham gia truyền tải điện.

"Phát triển nguồn và truyền tải cần phải đồng bộ, làm đường dây 500kV tư nhân chúng tôi làm chỉ 6-8 tháng, nếu là EVN làm phải 4 năm. Cái này không phải là EVN không làm được mà do họ cần nhiều quy trình, mất thời gian", ông Tiến nói.

Theo đại diện Trungnam Group, việc cho phép tư nhân tham gia vào phát triển nguồn năng lượng và hạ tầng truyền tải thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án điện nói riêng và phát triển thị trường năng lượng nói chung.

Tổng Giám đốc Trungnam Group mong Chính phủ đưa ra hành lang pháp lý, cũng như điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào mảng rất lớn và đón đầu việc dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam.