Từ hôm nay, chỉ mất 70 triệu đồng phí lập ngân hàng mới
(Dân trí) - Từ ngày hôm nay (5/5) đến hết năm 2020, Bộ Tài chính sẽ giảm 50% mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập tổ chức tín dụng, ngân hàng hoặc các dịch vụ trung gian thanh toán.
Thông tư số 33/2020 của Bộ Tài chính về quy định nói trên do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký ban hành có thời hạn ngay ngày 5/5.
Cụ thể, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng nộp lệ phí bằng 50% mức thu lệ phí theo quy định.
Mức thu này được quy định tại điểm a và điểm b Mục 1 Biểu mức thu lệ phí tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 150/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trong đó, mức thu lệ phí cấp lần đầu cấp phép thành lập và hoạt động của ngân hàng là 140 triệu đồng, bổ sung là 70 triệu đồng cho một giấy phép.
Như vậy nếu cá nhân, tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động ngân hàng mới, mức phí cấp giấy lần đầu là 70 triệu đồng thay vì mức cũ 140 triệu đồng; mức phí cấp gia hạn, bổ sung là 35 triệu đồng.
Mức lệ phí cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng cấp lần đầu là 70 triệu đồng, cấp đổi, bổ sung và gia hạn là 35 triệu đồng cho một giấy phép.
Với quy định mới của Bộ Tài chính, lập tổ chức phi ngân hàng sẽ chỉ phải đóng phí lần đầu là 35 triệu đồng/giấy phép và 17,5 triệu đồng cho lần gia hạn, bổ sung tiếp theo.
Đối với các tổ chức trung gian thanh toán không phải là ngân hàng, cấp phép lần đầu theo quy định mới của Bộ Tài chính là 5 triệu đồng (quy định cũ tại Thông tư 150/2016 là 10 triệu đồng), cấp lại là 2,5 triệu đồng (thay vì mức quy định cũ 5 triệu đồng.
Như vậy, lệ phí cấp giấy chứng nhận thành lập ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng, trung gian thanh toán đã giảm đáng kể. Đây là một phần trong kế hoạch kích thích các nhân tố mới của nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.
An Linh