1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sản xuất bia, ô tô, dầu thô... ngày càng “thê thảm” vì Covid-19

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Sản xuất bia, ô tô, dầu thô... ngày càng “thê thảm” vì Covid-19 - 1
Theo Bộ Công Thương, một số sản phẩm công nghiệp vốn là chủ lực nhưng trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất kinh doanh ngấm đòn nặng hơn từ tháng 4

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm.

Báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh “ngấm đòn" nặng hơn những tháng trước đó trước tác động của đại dịch Covid-19.

“Khác với quý 1, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, Bộ Công Thương nhận định.

Theo số liệu vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020.

Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Bộ Công Thương cho biết, dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, một số sản phẩm công nghiệp vốn là chủ lực nhưng trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%, vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; sắt thép thô giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,9%; giày, dép da giảm 4,9%; thép cán giảm 4%...

Đáng lưu ý theo Bộ Công Thương, với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dầu khí. Doanh thu khai thác dầu khí sụt giảm mạnh, nhiều mỏ đứng trước nguy cơ giãn hoặc buộc phải dừng khai thác nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời.

“Hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, lượng tồn kho cao và đối mặt với nguy cơ tank-top (đầy kho) trong thời gian tới”, Bộ Công Thương cho biết.

Khó khăn chưa từng có: Cầu trong nước và thế giới đều sụt mạnh

Theo Bộ Công Thương, tương tự hoạt động công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý 1/2020 chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch Covid-19. Nhưng bước sang quý 2, hoạt động thương mại Việt Nam dự kiến phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường.

Cụ thể, từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng như: dệt may và giày dép, đồ gỗ… tại nhiều thị trường giảm.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại, xu hướng chính của các đối tác nhập khẩu của Việt Nam thông báo là là hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm thời chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).

Nguyên nhân chủ yếu được các nhà nhập khẩu vận dụng điều khoản ất khả kháng (Force Majeure) khi nhiều nước yêu cầu đóng cửa các thành phố, thậm chí toàn quốc, người dân được yêu cầu ở nhà.

Chính lý do này, theo Bộ Công Thương, đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Không chỉ khó khăn trong xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.

Sản xuất bia, ô tô, dầu thô... ngày càng “thê thảm” vì Covid-19 - 2
Nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm dù được phép hoạt động bình thường trở lại. Sự khó khăn trong kinh doanh khi nhu cầu tiêu thụ hàng hoá sụt mạnh buộc nhiều hộ kinh doanh quyết định trả mặt bằng. Ảnh: N.Mạnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%).

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.519,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tăng cường sản xuất.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài ra tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương cũng kỳ vọng việc đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ là động lực để hỗ trợ khó khăn xuất khẩu hàng hóa...

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm