Từ chối cho vay đóng tàu: Vietcombank khẳng định làm đúng
(Dân trí) - Chiều 29/6, Vietcombank đã thông tin chi tiết về việc cho vay đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 đối với ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Phạm Văn Cu tại Quảng Ngãi. Do kết quả thẩm định phương án sử dụng vốn không hiệu quả, không có khả năng trả nợ nên khách hàng không đáp ứng được điều kiện vay vốn của 2 ngư dân này.
Thời gian xử lý hồ sơ là phù hợp
Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Thị Thái (Trưởng đoàn công tác của Vietcombank vào làm việc tại Quảng Ngãi) cho biết: Ngay khi nhận được thông tin một số báo nêu về trường hợp Vietcombank Chi nhánh Quảng Ngãi từ chối không cho vay đối với hai ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (xã Nghĩa An) và Phạm Văn Cu (xã Nghĩa Phú) do không đáp ứng được điều kiện về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, Vietcombank trụ sở chính đã cử đoàn công tác vào làm việc tại Quảng Ngãi để làm rõ một số nội dung.
Theo trưởng đoàn công tác, thời gian xử lý hồ sơ vay của 2 khách hàng chính thức là “1 tháng 6 ngày” chứ không phải là “2 năm” hay “gần 1 năm” như 2 ngư dân trên phản ánh. Cụ thể, ngày 14/09/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Phạm Văn Cu thuộc danh sách đủ điều kiện để xem xét cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 (đợt 4). Bà Thái cho hay: Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng, nên khó mà nói thời gian nào chuẩn cho mọi nhu cầu. Với trường hợp này thì thời gian thẩm định hồ sơ cho vay đóng tàu thì 1 tháng 6 ngày là phù hợp.
Cụ thể, cuối tháng 10/2015, Vietcombank Quảng Ngãi tiếp nhận một số hồ sơ ban đầu (gồm Hợp đồng đóng tàu nguyên tắc ký với Công ty Cổ phần đóng tàu thủy Đức Việt - Nam Định, Bản thiết kế tàu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và Bảng dự toán chi phí đầu tư giá trị 14,4 tỷ đồng). Do xem xét thấy mức dự toán cao hơn so với mức chi phí đóng tàu thực tế cùng quy mô, cùng chủng loại, ngân hàng đã đề nghị khách hàng làm rõ cơ sở xác định chi phí dẫn tới chênh lệch giá như vậy.
Đầu tháng 12/2015, ông Tuấn và ông Cu thông báo không đóng tàu ở Công ty cổ phần đóng tàu thủy Đức Việt (Nam Định) nữa mà chuyển sang đóng tàu ở Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Nha Trang (hợp đồng đóng tàu, bản thiết kế, dự toán giá trị 15,4 tỷ đồng, cao hơn Thủy Đức Việt 1 tỷ đồng). Do với cùng 1 thiết kế mà giá đóng tàu ngày một tăng cao nên ngân hàng tiếp tục đề nghị khách hàng làm rõ nội dung này.
Tuy nhiên, đến ngày 25/1/2016, khách hàng đề nghị rút toàn bộ hồ sơ đóng tàu với lý do không đồng ý đóng tàu tại Công ty Cổ phần đóng tàu thủy Đức Việt. Nhưng thực chất là để chuyển đi vay ngân hàng khác vì ngày 16/2/2016, ông Phạm Văn Cu có văn bản gửi UBND TP Quảng Ngãi, Phòng Kinh tế Thành phố và UBND xã Nghĩa Phú xin chuyển sang vay ngân hàng khác. Trên thực tế, ngày 25/2/2016, UBND Thành phố Quảng Ngãi có văn bản 495/UBND về việc chuyển Ngân hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của ông Phạm Văn Cu ở xã Nghĩa Phú gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi.
Nhưng đến cuối tháng 3/2016, hai ngư dân nộp lại hồ sơ đóng tàu và lần này là tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Hồ sơ thiết kế, dự toán: 15,268 tỷ đồng). Theo thông tin của khách hàng, việc thay đổi công ty đóng tàu là vì tại thời điểm đó có thông tin 1 tàu do Công ty Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Nha Trang vừa bàn giao tại Quảng Ngãi gặp trục trặc khi bắt đầu ra khơi. “Vì lợi ích của khách hàng nên mặc dù khách hàng đã rút hồ sơ 1 lần và nộp lại nhưng ngân hàng vẫn tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ theo quy định của nhà nước về cho vay đóng tàu”, đại diện ngân hàng khẳng định.
Như vậy, quá trình kể từ ngày UBND tỉnh phê duyệt (14/09/2015) đến ngày cung cấp đủ hồ sơ (10/5/2016) là 8 tháng. Đây là quá trình khách hàng tự tìm hiểu về đơn vị đóng tàu để lựa chọn đơn vị đóng tàu có chất lượng, đảm bảo tiến độ và tính toán cân đối chi phí đầu tư bao gồm cả thời gian gián đoạn sau khi tự rút hồ sơ và nộp lại. Quá trình đó, mặc dù chưa có đầy đủ hồ sơ, ngân hàng đã tư vấn, hỗ trợ khách hàng làm rõ cơ sở xác định dự toán của các đơn vị đóng tàu để xem xét chấp thuận mức chi phí hợp lý phù hợp với thiết kế đã được phê duyệt và đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư. Ngân hàng cũng đã thông tin kịp thời cho khách hàng tình hình đóng tàu của các nhà máy mà ngân hàng có thông tin kiểm chứng để khách hàng có thông tin tham khảo và tự quyết định lựa chọn (không yêu cầu, bắt ép hay gợi ý tới bất kỳ đơn vị đóng tàu nào).
Phương án kinh doanh không hiệu quả
Lý giải vì sao lại không cho 2 ngư dân trên vay vốn đóng tàu, theo đại diện Vietcombank, do khách hàng đã được tỉnh phê duyệt vào danh sách nên ngân hàng xem xét thẩm định hồ sơ rất cẩn thận, đúng quy trình và quy định để có thể có cơ sở trả lời khách hàng đầy đủ chứ không vội vàng từ chối khi chưa có đầy đủ thông tin.
Khi ngư dân nộp hồ sơ ban đầu đã có sự bất hợp lý về giá so với thực tế mà ngân hàng có thông tin kiểm chứng nên để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng đã tư vấn và đề nghị làm rõ cơ sở xác định chi phí. Sau đó, khách hàng thay đổi thông tin về nhà máy đóng tàu nhiều lần cũng như rút hồ sơ rồi lại nộp lại, phương án vay vốn do đó cũng điều chỉnh nhiều lần. Sau khi khách hàng cung cấp hồ sơ với phương án vay vốn hoàn thiện cuối cùng, ngân hàng tập trung thực hiện thẩm định chi tiết và đầy đủ các điều kiện vay vốn theo quy định. Do kết quả thẩm định cho thấy phương án vay vốn không hiệu quả, không có khả năng trả nợ nên khách hàng không đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định.
“Lúc này ngân hàng mới thực hiện trả lời chính thức với khách hàng. Cách làm này thể hiện rõ trách nhiệm của ngân hàng với ngư dân và chính quyền địa phương”, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc phụ trách truyền thông nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện Vietcombank cũng khẳng định không liên quan đến số tiền phát sinh trong quá trình vay vốn mà ông Tuấn và ông Cu nêu. Theo phiếu thu do ông Tuấn cung cấp, ông Tuấn nộp 300 triệu đồng cho nhà máy đóng tàu Đức Việt “để phê duyệt thiết kế và cho cơ sở đóng tàu Đức Việt mua sắt thép” vào ngày 22/08/2015, tức là 24 ngày trước ngày 14/09/2015 ông Tuấn được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo Nghị định 67 và gần 2 tháng trước ngày khách hàng liên hệ và cung cấp hồ sơ sơ bộ cho Ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng không được biết về chi phí này và không thể nêu ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này.
Về thông tin các chi phí khác do khách hàng nêu dẫn tới tổng chi phí gần 500 triệu, ngân hàng không có thông tin và không có cơ sở xác định. Đối với ngân hàng, từ khi bắt đầu nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng đến nay, Ngân hàng chưa thu bất cứ 01 đồng phí nào liên quan đến việc xem xét cho vay theo đề nghị của ông Tuấn và ông Cu.
Còn việc ông Tuấn tự nộp 760 triệu vào ngày 06/05/2016 là do khách hàng tự chủ động, ngân hàng không yêu cầu và không có quyền từ chối do là quyền của chủ tài khoản khi thực hiện giao dịch với ngân hàng. Tài khoản đó của ông Tuấn là tài khoản tiền gửi thanh toán bình thường và không bị phong tỏa. Ngày 21/06/2016, ông Tuấn đã rút hết toàn bộ số tiền này.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Thông tư 22/2014/TT-NHNN ngày 15/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo nghị định số 67/ 2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời gian qua, theo đại diện của Vietcombank, ngân hàng đã nghiêm túc thực hiện, xây dựng và triển khai gói sản phẩm tín dụng hỗ trợ phát triển thủy sản, trong đó có cho vay đóng tàu để hành nghề đánh bắt trên biển.
Đến nay, toàn hệ thống Vietcombank đã cho vay đối với 80 tàu cá với tổng cam kết cấp tín dụng trên 260 tỷ đồng, doanh số giải ngân 215 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 84%; riêng Vietcombank Quảng Ngãi tỷ lệ giải ngân đạt 93%.Vietcombank vẫn đang tiếp tục tiếp nhận hồ sơ vay vốn của ngư dân trên cơ sở danh sách do UBND các tỉnh phê duyệt. Tàu cá của nhiều ngư dân vay vốn tại Vietcombank được hạ thủy giúp ngư dân vươn khơi bám biển, một mặt cải thiện từng bước đời sống ngư dân, và quan trọng hơn là khẳng định ngư trường đánh bắt, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nguyễn Hiền