TTCK Việt Nam, 10 năm một chặng đường
TTCK Việt Nam sau 10 năm ra đời và hoạt động, đã có những bước phát triển thần kỳ, làm ngạc nhiên ngay cả những người trong cuộc.
Giờ đây, theo nhiều người, TTCK đã đủ trưởng thành để nên được quản lý bằng một mô hình tân tiến hơn nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh và hiệu quả hơn nữa của thị trường.
Những thời khắc đầu khó quên
Sáng ngày 28/7/2000, hai cổ phiếu REE và SAM với tổng số vốn 270 tỷ đồng và một vài trái phiếu chính phủ đã chính thức chào sàn, đánh dấu sự ra đời của TTCK Việt Nam.
Hôm đó, tại sàn giao dịch của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), khi những giao dịch mua bán đầu tiên diễn ra suôn sẻ, mọi người đều vỗ tay hoan hô nồng nhiệt cùng sự tin tưởng về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong tương lai. Lúc đó, khó ai có thể lường hết được những cung bậc thăng trầm của thị trường với những bước phát triển sau này.
Việc tăng mạnh của chỉ số VN-Index từ 100 điểm lên tới 517,04 điểm chỉ trong gần 1 năm sau khi mở cửa, rồi nhanh chóng rớt xuống 130 điểm đã mang lại nỗi lo âu, sợ hãi cho nhiều thành viên.
Dù đã có chứng chỉ hành nghề như môi giới, bảo lãnh…, nhiều nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành, tư vấn tài chính, tư vấn niêm yết… của các CTCK cũng chỉ là vừa làm vừa lần mò mà chưa biết kết quả sẽ thế nào.
Thời kỳ thị trường trầm lắng, lên sàn giao dịch mà như lên chùa ngày thường, chỉ xuất hiện một vài nhà đầu tư (NĐT) ngồi uống trà, tán gẫu. Ở nhiều CTCK mới mở, chỉ thấy nhân viên và bảng điện, không một bóng NĐT. Vào thời điểm đó, tâm trạng hoang mang không biết thị trường sẽ đi đến đâu có lẽ không chỉ là của các NĐT mà là tâm trạng chung của nhiều người.
Sự phát triển thần kỳ, vượt xa những dự tính ban đầu
Tháng 1/1993, khi bản Đề án xây dựng thí điểm thị trường vốn tại TPHCM được lãnh đạo Thành phố trình lên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã có một kết luận có tính lịch sử: “Việt Nam sẽ mở TTCK, TTCK thì không thể thí điểm mà phải làm thật sự, TTCK không thể địa phương mà phải là của Trung ương, của cả nước…”.
Những thành tích trên thị trường thứ cấp đã tác động tích cực đến thị trường phát hành, nhiều công ty đại chúng, đặc biệt là các công ty niêm yết đã tăng vốn lên từ hàng chục đến hàng trăm lần. Riêng 2 năm 2008-2009 đã có 35.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu (tính theo mệnh giá) được phát hành ra công chúng, góp phần làm lành mạnh cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.
“Qua 10 năm phấn đấu, 10 năm phát triển, có thể nói, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển thần kỳ, vượt xa những dự tính ban đầu của nhiều người trong cuộc”, ông Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng Văn phòng đại diện UBCK tại các tỉnh phía Nam, đánh giá.
Các Sở giao dịch đã tạo ra một hình ảnh trực quan, sinh động về một TTCK cho người Việt Nam và bước đầu đã hình thành được một “nền văn hóa chứng khoán” trong công chúng.
Cũng theo ông Bùi Nguyên Hoàn, để có được những thành tích đó, công đầu trước hết thuộc về những người hoạt động trên thị trường: các nhà đầu tư, kinh doanh chuyên nghiệp và các tổ chức niêm yết. Họ là những người nhận thức cái mới rất nhanh, rất năng động và can đảm.
Hướng tới mô hình quản lý tân tiến
TTCK Việt Nam đã trải qua một chặng đường với những cung bậc khác nhau, gắn với sự thay đổi cơ cấu quản lý thị trường. Với sự phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu như hiện nay, mô hình quản lý mà UBCK trực thuộc Bộ Tài chính đang có những vấn đề bất cập cho sự phát triển của thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc UBCK cần phải độc lập hơn và chỉ chịu sự quản lý của Thủ tướng để tạo tính linh hoạt, năng động cho thị trường.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, người hiểu TTCK hơn ai hết là UBCK nhưng khi cần quyết định lại đi trình.
Cách điều hành kiểu “điều khiển từ xa” này dẫn đến hai khả năng: nếu chỉ quyết định dựa trên những kiến nghị thì chậm trễ, không cần thiết; còn nếu quyết định khác đi dựa trên những hiểu biết chung chung thì dễ gây hoạ.
Vấn đề ở đây là khả năng phản ứng trước nguy cơ tiềm ẩn của một thị trường phức tạp đang biến động mạnh… Thực tế rất cần một cơ quan có chuyên môn đưa ra các giải pháp đồng bộ để trước hết thị trường có tính ổn định, bền vững.
Ông Bùi Nguyên Hoàn chia sẻ, thời kỳ năm 2004, UBCK nhập vào Bộ Tài chính cũng là cần thiết. Có như vậy, Trung tâm GDCK Hà Nội mới ra đời được vào năm 2005. Nhưng đến nay, UBCK đã qua giai đoạn tổ chức và xây dựng thị trường, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là quản lý, giám sát.
Về đối tượng quản lý và tính chất quản lý, giữa UBCK và Bộ Tài chính là hoàn toàn khác nhau. UBCK thực hiện việc quản lý nhà nước về CK và TTCK để bảo vệ tài sản của công chúng (nhà đầu tư), quản lý chủ yếu bằng quy phạm hướng dẫn và khuyến khích sự sáng tạo của các chủ thể tham gia thị trường. Ngược lại, Bộ Tài chính quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước, quản lý bằng quy phạm mệnh lệnh và yêu cầu đối tượng quản lý phải tuân thủ tuyệt đối.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, từng nói: “Phương án đưa UBCK về Bộ Tài chính đúng là cũng không giống nước nào nhưng phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Khi nào ta chuẩn bị đủ điều kiện, để UBCK có vị thế độc lập thì có cách phân công lại nhưng ít nhất cũng phải đến năm 2010, thậm chí có thể tới năm 2012 hoặc 2015”.