1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TS Trần Du Lịch: "Làm sân bay Long Thành mà lãng phí là có tội với dân"

(Dân trí) - “Nếu quyết định xây dựng sân bay Long Thành mà lãng phí thì có tội với dân. Nhưng nếu không đầu tư sân bay Long Thành, để đến khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải lại là một cái vấn đề cực lớn đối với vùng kinh tế này. Lúc đấy ai chịu trách nhiệm?!”.

Đó là ý kiến của TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khi trả lời các băn khoăn của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Ông Trần Du Lịch cho biết, trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 khai mạc vào ngày 20/5, Quốc hội sẽ xem xét các ý kiến của cử tri về dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) một cách thấu đáo.

Với cá nhân ông Trần Du Lịch (người tham gia giám sát dự án này), ông cho biết sẽ trực tiếp cùng với Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thẩm định dự án lắng nghe đầy đủ tất cả ý kiến mà các chuyên gia phát biểu, phản biện trên báo chí.

Đại biểu Trần Du Lịch:

Đại biểu Trần Du Lịch: "Nếu quyết định xây sân bay Long Thành mà lãng phí thì có tội với dân" (Ảnh: Việt Hưng)

Ông Lịch cho biết, ông cũng đã vào sân bay Tân Sơn Nhất, đi tất cả ngóc ngách để xem xét chỗ nào có thể mở rộng, chỗ nào không thể mở rộng, kể cả chỗ làm sân golf… để xem khả năng sân bay này có thể mở rộng được không.

Việc mở rộng sân bay không phải đơn thuần chỉ là xây thêm 1 hay 2 nhà ga mà là giải quyết năng lực không lưu cất hạ cánh. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất có thể mở rộng năng lực không lưu thì có thể lấy đất quân sự, thậm chí kể cả phá sân golf để xây dựng. Khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất kể cả về giao thông và các cửa ngõ đi vào hiện cũng rất khó.

Với sự xuất hiện của hàng không giá rẻ, lượng hành khách đi máy bay tăng đáng kể. Sân bay Tân Sơn Nhất có một thực trạng là 2 đường băng cách nhau chỉ 345m. Nếu 4 máy bay sử dụng 2 đường băng cất hạ cánh cùng một lúc thì theo quy định, nó phải cách nhau ít nhất là 1.050m mới an toàn. Còn nếu cách nhau 345m thì 2 đường băng như một. Có nghĩa là chiếc này xuống xong rồi đến cái kia… nên xảy ra tình trạng máy bay đảo trên trời 2 - 3 vòng chờ để có chỗ xuống là thường xuyên.

“Xin thưa rằng, tôi thường xuyên đi máy bay nên nhiều lần chứng kiến máy bay đến nơi đảo trên trời 2 - 3 vòng chờ hạ cánh. Đấy là vấn đề lớn nhất chúng ta phải bàn. Mặt khác, ở Tân Sơn Nhất, máy bay chúng ta hạ trên đầu người dân. Nếu bay vào khung giờ từ 23-5h sáng thì ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân. Không thể bay giờ đó được. Mà nếu không bay giờ đó thì ứ đọng chuyến”, ông Trần Du Lịch nói.

Đại biểu Trần Du Lịch:

Nếu không đầu tư sân bay Long Thành mà sân bay Tân Sơn Nhất quá tải thì ai chịu trách nhiệm với tất cả thành phố này và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Nói về dự án sân bay Long Thành, thay mặt Đoàn ĐBQH TPHCM, ông Lịch khẳng định rằng, giai đoạn 1 của dự án là làm sân bay với năng lực vận chuyển 25 triệu hành khách/năm. Nguồn vốn giai đoạn này có 5,6 tỷ USD chứ không phải 19-20 tỷ USD như một số thông tin phản ánh. Mục đích của giai đoạn 1 sân bay Long Thành là để bổ sung quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

“Xây sân bay không phải là một năm làm xong. Bây giờ làm thì năm 2024-2025 mới có. Vài ba chục năm nữa, có làm trung chuyển hay không thì tiếp tục tính, còn bây giờ phải tính làm sao có được trong tay vài chục triệu hành khách nữa mà Tân Sơn Nhất không quá tải. Tới bây giờ, Quốc hội vẫn tiếp tục nghe các ý kiến phản biện để quyết định làm hay không làm sân bay Long Thành. Bản thân tôi đã đi chi tiết từng ngõ ngách để khảo sát thực tế, chứ không thể ngồi ở văn phòng đọc hồ sơ đâu”, ông Lịch khẳng định.

“Tôi xin nói rằng, đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu quyết định xây sân bay Long Thành mà lãng phí là có tội với dân. Nhưng nếu không đầu tư sân bay Long Thành mà sân bay Tân Sơn Nhất quá tải thì ai chịu trách nhiệm với tất cả thành phố này và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bằng trách nhiệm với dân, với nước, chúng tôi sẽ xem xét thật khách quan dự án này”, ông Trần Du Lịch nói.

Công Quang


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”



Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm