1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TS. Trần Đình Thiên: "Tôi không thích nói theo kiểu thay đổi là tháo gỡ, là chỉnh sửa"

(Dân trí) - "Chúng ta quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế từ mô hình, đổi mới cách điều hành từ tư duy và hành động, tuy nhiên còn rất nhiều vướng mắc. Tôi không thích nói theo kiểu thay đổi là tháo gỡ, là chỉnh sửa. Đổi mới không phải là tháo gỡ, chỉnh sửa, đổi mới là thay đổi, thay thế”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh câu chuyện tái cơ cấu, tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế năm 2017, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2017, chúng ta có cơ hội từ cải cách, từ hội nhập, song nền kinh tế cũng đang còn nhiều vấn đề dang dở cần giải quyết, nhất là khu vực nông nghiệp.

Năm 2016, chúng ta chứng kiến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong nhiều tháng, và cuối năm tăng trưởng giảm so với 6 năm trước. Điều này đặt ra cho Việt Nam vấn đề và cách thức giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Chưa có năm nào ngành nông nghiệp gặp bi kịch như năm 2016 khi hạn mặn, lũ lụt rồi hạn hán kéo theo mất mùa, xâm ngập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạn mặn, không có lũ không phải là rủi ro kiểu mùa vụ mà là cảnh báo trái đất đang biến đổi, dòng chảy đang bị chi phối đã và đang làm thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ai cũng biết, năm 2016, chúng ta được thừa hưởng một di sản không hề mong muốn là rất nhiều thiên tai, ô nhiễm xảy ra với nông nghiệp. Đáng nói nhất là vùng ĐBSCL ngày càng mất nước, thiếu nước và hệ quả là xâm ngập mặn, hạn mặn đã diễn ra, gây tác động rất lớn đến ngành nông nghiệp Việt Nam.


Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc chặn dòng sông Mê Kông để xây thủy điện đã và đang khiến đồng bằng sông Cửu Long không còn là vùng trù phú (ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc chặn dòng sông Mê Kông để xây thủy điện đã và đang khiến đồng bằng sông Cửu Long không còn là vùng trù phú (ảnh minh họa)

ĐBSCL sống dựa vào nước ngọt, nhưng nước về ít do thượng nguồn xây thủy điện, nước mặn lại dâng. Cả vùng đồng bằng châu thổ không có phù sa bồi đắp, nó làm vỡ đi cấu trúc phát triển. Nó bi kịch ở chỗ nước mặn, nước biển cứ lấn, cứ dâng dần hằng năm mà chúng ta không có biện pháp khắc phục, việc chịu trận, chống đỡ bị động đang diễn ra.

Nước biển dâng một lần có thể chống được, còn dâng từ từ thì không thể chống được. Hạn mặn không cần nhiều lần, chỉ cần 1 lần là chúng ta mất đất sản xuất, phải chuyển đổi cây trồng, thau chua, rửa đất rất mất thời gian. ĐBSCL được xem là trù phú, miền đất hứa từ xưa đến nhưng điều kiện mới đã biến vùng này không còn được coi là trù phú nữa, bao thách thức đã và đang đặt ra yêu cầu thay đổi.

Ngoài vấn đề nông nghiệp, năm 2017, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển sẽ tiếp tục được coi là động lực mới cho tăng trưởng. Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giải quyết triệt để năm nay?

- Về tái cơ cấu nền kinh tế, sau 5 năm mới thấy nó khó quá, vấn đề quyết tâm của chúng ta có thực sự trở thành hành động hay không, từ quyết tâm phải được cụ thể hóa bằng kết quả thực tế. Tôi cũng khẳng định rằng, nếu chúng ta làm đúng tiến trình của tái cơ cấu thì đừng lo tăng trưởng thấp hay cao, hãy tập trung tái cơ cấu để chúng ta có tăng trưởng bền vững hơn, thực chất hơn.

Về phát triển khu vực doanh nghiệp, mục tiêu trong 5 năm tới làm sao có những tập đoàn mạnh làm xương sống. Hiện, chúng ta có nhiều doanh nghiệp (DN) cứ tưởng to lắm, oách lắm nhưng toàn doanh nghiệp nhỏ, cỡ li ti chưa đủ cạnh tranh với ai cả. Hơn 70.000 doanh nghiệp từ hộ gia đình được đưa lên làm DN, thì chỉ kiếm sống thôi, chưa đủ là DN nước ngoài đâu.

Chúng ta quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế từ mô hình, đổi mới cách điều hành ở tư duy và hành động, tuy nhiên còn rất nhiều vướng mắc. Các bộ vẫn nắm quá nhiều quyền ra quy định, điều hành DN. Các địa phương vẫn tạo rào cản đối với tư nhân, đổi mới chỉ là trên lý thuyết chưa áp dụng thực tế và chưa được nhân rộng, được nghiêm túc thực hiện.

Tôi không thích nói theo kiểu thay đổi là tháo gỡ, là chỉnh sửa. Nhưng gỡ từ đâu, gỡ thế nào khi những rắc rối từ hệ thống quản lý kinh tế, văn bản vẫn còn chằng chịt như thế bao giờ cho nó xong. Đổi mới không phải là tháo gỡ, chỉnh sửa, đổi mới là thay đổi, thay thế.

Nói như vậy, theo ông, động lực tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam hiện nằm ở đâu? Cải cách, khởi nghiệp hay là từ hội nhập? FDI vẫn được xem là chìa khóa, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam?

- Tôi cũng thấy một bộ máy với những cải cách mới tại Bộ Công Thương khi sẵn sàng bỏ những cái cố hữu của họ đi như: quản lý chuyên ngành hàng dệt may, quy chế xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính khoán xe công, Quốc hội yêu cầu thắt chặt đầu tư công và kỷ cương ngân sách… Những nỗ lực dù nhiều dù ít nhưng chúng ta cần làm, làm nhanh so với sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ của thế giới.

Về tinh thần khởi nghiệp, chúng ta đang có nguy cơ khởi nghiệp thành phong trào của thanh niên, một lúc rồi chán. Ở nước ngoài 10 mô hình khởi nghiệp thành công mới được 1. Chúng ta cũng vậy, thậm chí tỷ lệ còn cao hơn 20 được 1, cũng vẫn là tốt. Vậy làm sao để nuôi dưỡng tinh thần và sức sáng tạo thành khởi nghiệp đây?

Môi trường nuôi dưỡng khởi nghiệp còn đòi hỏi cao cấp hơn, minh bạch và tính thị trường hóa hơn. Ở đó những sáng chế, sáng tạo cần được mua bán, quy ra giá trị; ở đó những cơ hội, cạnh tranh được minh bạch hơn, có sự hỗ trợ tốt hơn từ Nhà nước, chính quyền kiến tạo, phát triển thay vì kiểu cách Nhà nước quản lý, thắt chặt và triệt tiêu sáng tạo.

Vậy cấu trúc phát triển của Việt Nam những năm tới cần điều chỉnh những gì, ở đâu và cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu?

- Mình có công nghiệp đâu, có mỗi xi măng, thép, gia công lắp ráp chứ có gì, những ngành trên thì một là khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều điện, phát thải và giá trị gia tăng thấp. Nói đến công nghiệp mũi nhọn, chúng ta không có, không biết chọn cái nào. Chúng ta không có công nghiệp hỗ trợ để phát triển một ngành, một nghề tương xứng.

Trong khi đó, ngành du lịch - công nghiệp không khói dù đã thay đổi nhưng rất chậm, thiếu chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ còn kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nên chúng ta không thể lôi kéo được lượng lớn khách phương Tây với số lượng lớn. Đây là lượng khách mà ngành du lịch nước nào cũng mong muốn.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta thiếu sàng lọc dự án, kiểu gì cũng cho vào miễn là doanh nghiệp nước ngoài. Chính quyền lo ráo riết dọn mặt bằng cho nước ngoài trong khi không hỗ trợ cho khu vực dân doanh, tư nhân.

Chính vì thế, khi chúng ta kéo được Samsung vào thì họ cũng kéo cả những doanh nghiệp phụ trợ vào Việt Nam, còn DN Việt ra rìa, không thể vào được chuỗi của họ. Cái này lỗi ở chính Nhà nước vì thu hút FDI không có chiến lược, biết sẽ lôi kéo được Samsung, thì cần phải “dọn cỗ, cài cắm” DN Việt Nam vào chuỗi của nó. Cách thực hiện là hỗ trợ tối đa DN làm thiết bị phụ trợ chứ đừng để thả lỏng như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)