TS Nguyễn Xuân Thành: Buôn Ma Thuột cần là đô thị thương mại và logistics của Tây Nguyên

(Dân trí) - Cần xác định đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm, trung tâm thương mại, logistics của cả vùng kinh tế Tây Nguyên, đây là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách khi bàn về chiến lược phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Trong các vùng kinh tế của Việt Nam, Tây Nguyên có nhiều nguồn lực về tự nhiên, nông lâm sản và dư địa để phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa thực sự có sự bứt phát.

Nhiệm vụ của Bộ Chính trị tại Kết luận 60 là đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm, dẫn dắt cả vùng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn nhiều khó khăn.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.JPG

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Thời gian tới, muốn dẫn dắt cả Tây Nguyên phát triển, Buôn Ma Thuột phải cao hơn về khoa học công nghệ, là giáo dục đào tạo, là trung tâm khởi nghiệp.

"Với Buôn Ma Thuột điểm rất quan trọng nếu đã là trung tâm của vùng thì phải tạo được sức hấp dẫn, muốn có sức hấp dẫn đó thì phải tạo được một chương trình phát triển, là nơi hội tụ kinh tế của Tây Nguyên", ông Thiên nói.

"Tây Nguyên trồng rất nhiều thứ tuyệt vời nhưng trồng xong lại chở đi nơi khác. Tại sao Buôn Ma Thuột không phải là một trung tâm công nghiệp chế biến của cả vùng? Vì vậy, theo tôi một trong những chương trình quan trọng nhất là cần biến Buôn Ma Thuột là trung tâm công nghiệp chế biến các đặc sản của Tây Nguyên, như thế đã là giàu rồi", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá.

Ông Thiên nhấn mạnh, để làm được, phải trao cho Đăk Lắk những quyền, cơ chế để kéo đầu tư, kéo "đại bàng" lên định hình chân dung cho Buôn Ma Thuột. Cần xây dựng sân bay Buôn Ma Thuột thành trung tâm hội nhập quốc tế của vùng chứ không phải đến sân bay nhỏ lẻ, để hội nhập với đẳng cấp cao, không phải là địa điểm để trung chuyển sang Lào hay Myanmar.

Còn TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Fulbright Việt Nam cho biết, với một thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên, vị thế của Buôn Ma Thuột đáng lẽ phải lớn lao hơn, khác biệt hơn. Tuy nhiên, tính kết nối với các tỉnh thành khác của Tây Nguyên cũng như các vùng kinh tế khác thì rất hạn chế.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Fulbright.jpg

TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam

Hai lĩnh vực được xem là tiềm năng nhưng cũng là yếu điểm của Buôn Ma Thuột trong những năm qua là thương mại và logistic.

Với thương mại, theo ông Thành: Buôn Ma Thuột chiếm trên 1 nửa của cơ cấu tổng sản phẩm của thành phố nhưng chủ yếu là bán lẻ phục vụ cho người dân. Định hướng từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, các hoạt động thương mại phân phối hàng hóa của Buôn Ma Thuột phải phục vụ cho cả vùng Tây Nguyên.

Tương tự như vậy, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng: "Nhìn vào dịch vụ logictics thì chủ yếu là vận tải đường bộ cho hàng hóa và hành khách của Buôn Ma Thuột và của Đắk Lắk. Không làm được logistics cho Tây Nguyên".

"Theo tôi cần có kế hoạch để Buôn Ma Thuột có vai trò là trung tâm thương mại và logistics của cả vùng. Thương mại và logictics cần đi cùng bởi nếu không thì cuối cùng thương mại chỉ là bán lẻ", TS Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Chuyên gia của Fulbright nhận định: "Một trong những định hướng trong thời gian tới là Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột nên đưa vào định hướng phát triển thành trung tâm thương mại. Nhà nước cần hỗ trợ địa phương làm quy hoạch, cơ sở hạ tầng để phát triển trung tâm thương mại, logistics dựa trên lợi thế sẵn có".

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc.JPG

Ông Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng Ban kinh tế trung ương


Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương nhận định: Phát triển Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ của cả vùng, là đô thị trung tâm của Tây Nguyên là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển Tây Nguyên.

"Buôn Ma Thuột cần trở thành trung tâm đô thị, động lực tăng trưởng và đảm nhiệm vai trò kết nối của đô thị hạt nhân. Tây Nguyên có nhiều lợi thế về kinh tế, xã hội và nguồn lực tự nhiên, con người, chính vì vậy, cần có chính sách để đầu tư, thúc đẩy kinh tế toàn vùng bằng xây dựng đô thị trung tâm Buôn Ma Thuột, đây cũng là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm", ông Bình nhận định.

An Linh

bannerchanbai-1547865311083.gif