TS Nguyễn Đình Cung: Một nửa số mặt hàng đang chịu quản lý của 2, 3 Bộ
(Dân trí) - Về kiểm tra chuyên ngành, TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra rằng, tình trạng một mặt hàng kiểm tra 2-3 bộ chiếm hơn 50%. Trong một bộ cũng tương tự, một mặt hàng đó có thể phải sự kiểm tra của 2-3 Cục, chứ không phải là một cục.
Cắt giảm, nói nhiều mà không được bao nhiêu
Phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN diễn ra sáng nay (24/7), TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: "Trên thực tế chúng ta có một số cải cách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, mà thậm chí có thể mừng rơi nước mắt vì bao nhiêu năm khổ vì nó đã được thay đổi".
Theo ông Cung, trong 4 năm, số mặt hàng hàng phải kiểm tra tương đối đã giảm được 4.000 mặt hàng (từ 82.000 xuống còn 78.000) là tương đối nhiều. Tuy nhiên, thông thường một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm thủ tục có ít mặt hàng, còn một số nhóm có nhiều mặt hàng thì không cắt giảm.
"Nên nhiều khi có báo cáo Bộ này Bộ kia nêu cắt giảm phần lớn nhưng chưa chắc đạt mục tiêu vì số mặt hàng trong nhóm đó rất ít. Về kiểm tra chuyên ngành này còn vấn đề nữa là tình trạng một mặt hàng kiểm tra 2-3 bộ vẫn chiếm hơn 50%. Trong một bộ cũng tương tự, một mặt hàng đó có thể phải sự kiểm tra của 2-3 Cục, chứ không phải là một cục. Điều này tôi cho rằng, nên nhanh chóng thay đổi", ông góp ý.
Dẫn trường hợp một thủ tục nghe phản ánh rất nhiều là kiểm dịch động thực vật, ông Cung cho rằng, với những quy định trong lúc chưa thay đổi được luật thì các Bộ cũng xem xét thay đổi thông tư. "Doanh nghiệp rất kêu ca, phàn nàn về những chi phí thực sự rất bất hợp lý này", ông nói.
Thủ tục nào mất nhiều quyền lợi thì không kết nối
Một thực trạng nữa cũng được TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra là, việc kết nối cơ chế một cửa đang theo hướng "những thủ tục nào mất ít quyền ít lợi đi thì kết nối, còn những thủ tục mất nhiều quyền lợi thì không kết nối".
"Nên đặt mục tiêu năm 2020 phải hoàn thành số hóa trong cổng thông tin một cửa. Đề nghị có bộ phận thư ký độc lập và thật mạnh để chỉ đạo công việc vì mang tính chất liên ngành, cải cách có thể có tác động rất lớn mà lâu nay chúng ta làm rất chậm và nhiệm kỳ này tôi hi vọng là chúng ta hoàn tất cải cách", ông đề xuất.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, chính thức được triển khai từ tháng 11/2014, đến ngày 15/7/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.
Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.
Số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, quý 2/2015 có 82.760 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến quý 1/2018 còn 78.390 mặt hàng (giảm 4.403 mặt hàng).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến.
Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, năm 2017, số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,4%.
Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định; Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm.
Phương Dung