TS Nguyễn Đình Cung: "Con số và đánh giá về kinh tế tư nhân... không chính xác!"
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các số liệu thống kê chính thức dường như chưa đánh giá hết vai trò của kinh tế tư nhân. Ông này nghi ngờ các số liệu chính thức và nhiều đánh giá chưa chính xác khiến khu vực này gặp khó.
Tại Tọa đàm "Phát triển Kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp" được tổ chức sáng nay 5/10 tại Hà Nội, TS Nguyễn Đình Cung thừa nhận còn có nhiều khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, kể cả ở việc nhìn nhận khu vực này qua số liệu thực chứng của ngành thống kê.
TS Cung khẳng định: Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết về kinh tế tư nhân nhưng rõ ràng đến nay chúng ta chưa có nhiều điều để nói và chia sẻ lắm. Chính sách là mới nhưng khó khăn và tồn tại với khu vực kinh tế tư nhân vẫn cũ.
"Phải nói rằng, Việt Nam đã bắt đầu hình thành kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta phải đánh giá lại cái vai trò của kinh tế tư nhân, đánh giá lại về mặt kinh tế chứ không phải về chính trị. Tôi nhìn con số thống kê về kinh tế tư nhân, đăng ký kinh doanh chính thức, chúng tôi rất nghi ngờ", Viện trưởng Cung đề cập vấn đề.
Theo ông Cung: Hiện số liệu chính thức về đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chỉ 9% GDP, cái này kéo dài từ khi có Luật doanh nghiệp đến nay. Đến năm 2000 chúng ta thấy rõ sự bùng nổ kinh tế tư nhân qua sự phát triển của các tập đoàn tư nhân lớn, nhưng số liệu chính thức về khu vực này chỉ tăng 1%. Tôi hoàn toàn nghi ngờ về con số này. Con số này không chính xác!"
Ông Cung lập luận: "Tiền lương lao động, lợi nhuận khu vực này được hưởng, thuế mà họ chỉ đóng góp 9% cho GDP - (Tổng sản phẩm quốc nội) là không chính xác. Nếu tính đúng, tính đủ khu vực kinh tế tư nhân phải đóng góp từ 30% đến 35% GDP".
"Chúng ta cần đánh giá lại đóng góp của kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế. Tôi cho rằng doanh nghiệp Nhà nước không đóng góp đủ 30% GDP đâu", TS Cung bình luận.
Viện trưởng Viện CIEM đề nghị: Chúng ta đánh giá lại để có những nhận định đúng về khu vực kinh tế tư nhân. Nhận định chính trị là căn bản để phát triển đất nước nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, đặc biệt nhận định đúng để chúng ta có sự chuẩn bị cho các văn kiện về chính sách, pháp luật về họ và hỗ trợ họ.
Ông này cho rằng: Cần xem lại tại sao tất cả con số doanh thu, lợi nhuận cao hơn cả, nhưng đóng góp vào GDP lại nhỏ.
Ở khía cạnh khác, ông Cung cho rằng: Tuy đóng góp lớn, nhưng so với nhu cầu kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn nhỏ.
"So với nhu cầu của nền kinh tế thị trường, nếu tồn tại trong thị trường buộc họ phải lớn và lớn hơn nhiều chứ không phải be bé như hiện nay", TS Cung nói.
Viện trưởng CIEM nói: Vấn đề ở chỗ là tại sao vẫn nhỏ? Từ khi có Luật doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân đã được thừa nhận sự tồn tại nhưng sau 30 năm đến nay chúng ta mới xuất hiện 4 tỷ phú. Dù là tỷ phú nhưng so với thế giới họ vẫn rất nhỏ và vẫn chưa phải doanh nghiệp tốp đầu.
"Tự do kinh doanh có mức độ nào thôi chứ chưa thực sự tự do, chính sách của Việt Nam còn không an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp; chúng ta đầy rủi ro về mặt chính sách. Nếu là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp chỉ phải đối diện với rủi ro thương trường thì ở đây ngoài thị trường, họ đối diện với hàng loạt rủi ro từ chính sách, thể chế", ông Cung nói.
Ông Cung cho rằng, tôi hay nói kinh tế Việt Nam có nhiều cái không lắm: Không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch... Nhiều cái không và sự áp dụng tùy ý, tùy tiện nên với doanh nhân, khi đối mặt với nhiều cái không rõ ràng thì tốt nhất họ cứ nhỏ nhỏ, không muốn trở thành khu vực kinh tế chính thức.
"Càng là doanh nghiệp kinh doanh chính thức ở Việt Nam, càng đối diện với nhiều rủi ro lớn, vì sẽ vướng vào hàng loạt thanh kiểm tra", ông Cung nói.
Về nguồn lực, câu chuyện cũ được ông Cung nhắc lại là: Thị trường các nguồn lực cho phát triển của Việt Nam vẫn kiểu xin cho chứ không phải ai sáng kiến, nỗ lực mà có.
Trong khi đó, thị trường các nguồn lực méo mó, chưa được đẩy mạnh. Quyền sử dụng đất theo tôi chưa có, đặc biệt là thị trường thứ cấp, giao dịch quyền sử dụng đất đai mới trên hành chính; thị trường trái phiếu chưa phải là huy động nguồn lực.
Ông Cung khẳng định: Tôi dám nói ở đây, dù phát triển nhanh, mạnh, nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ dám nép mình ở trong chừng mực nào đó, họ không muốn lớn, không dám lớn.
Sáng kiến, sáng tạo, năng động nhưng điều trăn trở nhất là chính sách của chúng ta như này thì khiến sáng tạo và đột phá của họ thụt lùi.
Câu chuyện của ông Cung đề cập là: "Xúc xích Đức Việt là một ví dụ điển hình, đây là doanh nghiệp của một người rất tâm huyết và có nghề nhưng họ phải dừng và bán đi bởi họ hiểu làm to nữa thì chết".
Nguyễn Tuyền