Truyền hình trả tiền Việt Nam: Cần thay đổi về "chất"

(Dân trí) - Với tốc độ tăng trưởng thuê bao gần 100% mỗi năm, thị trường Truyền hình trả tiền (THTT) VN được coi là có tiềm năng nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Với hơn 86 triệu người, khoảng 20 triệu hộ gia đình, số thuê bao THTT 2,5 triệu mà Bộ TT&TT vừa công bố chỉ chiếm trên 10% số hộ.  Theo ông Jean Michel Boudet - Phó tổng giám đốc Công ty Truyền hình số vệ tinh VSTV (sở hữu thương hiệu K+ tại VN): ở Pháp, Ba Lan và một số nước Châu Phi mà tập đoàn Canal+ đã cung cấp dịch vụ, tỉ lệ thuê bao THTT đạt từ 20%-30% số hộ gia đình.
 
Truyền hình trả tiền Việt Nam: Cần thay đổi về "chất" - 1
Trung tâm cuộc cạnh tranh giữa các hãng THTT sẽ nằm ở khâu chất lượng, khi mức giá đã tương đối đồng đều.

“Thị trường VN còn đầy tiềm năng, mức độ sẵn sàng của hộ gia đình được đánh giá là khả quan cho THTT khi chiếm từ 30%-40% hộ gia đình”, ông Boudet cho biết.

Nắm bắt được xu thế này, các nhà cung cấp dịch vụ THTT đã đua nhau ra đời, đến nay hầu hết mỗi tỉnh, thành đều có truyền hình cáp, ngoài ra còn hàng chục công ty kinh doanh THTT lớn nhỏ khác, có thể kể đến VSTV, VCTV, SCTV, VTC…

Các cuộc đua hút thuê bao được mở ra quyết liệt, công ty nào cũng có "chiêu" riêng của mình, nhưng sau 10 năm, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, THTT Việt Nam vẫn còn "vương vấn" cách tư duy của TH quảng bá.

Sự khác biệt cơ bản giữa THTT và TH quảng bá nằm ở chỗ, TH quảng bá có vai trò cung cấp thông tin, thời sự, tuyên truyền pháp luật, có nguồn thu từ quảng cáo và "cái giá" mà người xem miễn phí phải trả chính là những chương trình quảng cáo trước, sau và giữa các chương trình.

Ngược lại, THTT phục vụ cho giải trí, nội dung chương trình có yếu tố cạnh tranh, không thuần túy về giá. Chi phí nội dung cao, nhưng nguồn thu chính của THTT là từ các thuê bao, quảng cáo (nếu có) phải đặt ở mức độ giới hạn rất thấp.

Theo nhiều chuyên gia, do chưa định hình rõ sự khác biệt giữa THTT và TH quảng bá và sự phát triển của THTT đến "độ" nên nội dung các chương trình THTT tại VN bị thương mại hóa nhiều: các bộ phim lạm dụng sản phẩm, hình ảnh của nhà tài trợ, thời lượng quảng cáo quá cao.

Một số nhà cung cấp dịch vụ THTT trong nước còn kinh doanh khi phát sóng các kênh truyền hình trả tiền của nước ngoài như HBO, StarMovies, Cinemax, ESPN bằng cách chèn quảng cáo của họ vào giữa các chương trình, có thể coi là "móc túi" thuê bao đến 2 lần.

Theo ông Jean Michell Boudet: "Do đã kinh doanh THTT ở nhiều nước, chúng tôi hiểu rõ điều này và thể hiện sự tôn trọng thuê bao bằng cách định hướng xây dựng nội dung chất lượng cho 3 kênh K+1, K+PC và K+NS và không để nội dung kênh bị thương mại hóa. Đối với các kênh chuẩn HD, chúng tôi không dùng bất cứ biện pháp kỹ thuật nào can thiệp mà phát sóng nguyên bản các kênh truyền hình quốc tế mua bản quyền từ các đối tác nước ngoài".

Trong cuộc họp với các đài TH lớn trong nước về vấn đề bản quyền vào tháng 7/2010, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã nhấn mạnh: cần phân biệt rạch ròi giữa TH quảng bá (phát miễn phí) và THTT - nơi đáp ứng nhu cầu xem TH ngày càng cao của khán giả.

Khác với TH quảng bá, người xem THTT ngoài quyền thưởng thức các chương trình TH, còn có nghĩa vụ phải chi trả cho những thụ hưởng của mình. Các kênh THTT hoạt động như một DN, nên ngoài việc đảm bảo về mặt nội dung còn phải giải quyết bài toán kinh doanh theo quy luật của thị trường.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành TH, THTT sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam trong thập kỷ này. Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, đến năm 2020 sẽ ngừng việc sử dụng truyền hình tương tự để chuyển sang công nghệ số, và đó cũng được dự báo là lúc thị trường THTT rơi vào thế bão hòa.

Muốn chiến thắng trong cuộc đua "trăm người bán, vạn người mua" này, không có cách nào khác các nhà cung cấp dịch vụ THTT phải "chiến đấu" bằng sức hút với thuê bao nhờ lợi thế chất lượng, chứ không phải bằng nguồn thu từ quảng cáo.

PV