Trưởng Ban Kinh tế: Phải xoá bỏ cơ chế xin-cho để doanh nghiệp Nhà nước phát triển
(Dân trí) - “Nếu không thể chế hóa nghị quyết của Đảng thì chính doanh nghiệp Nhà nước sẽ là nạn nhân lớn nhất của cơ chế xin - cho. Vì cái gì cũng phải xin, quyền tự quyết sẽ không còn thì làm sao linh hoạt, ứng biến với kinh tế thị trường để cạnh tranh, phát triển”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương tại Hội nghị Tổng kết năm của Đảng uỷ khối doanh nghiệp trung ương.
Đánh giá cao các mặt đạt được của các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, nhưng Trưởng Ban kinh tế Trung ương đã chỉ ra hàng loạt các yếu kém, tồn tại mang tính hệ thống, cơ chế chính sách.
Cụ thể, ông Bình cho rằng, khối doanh nghiệp Nhà nước hiện còn rất nhiều doanh nghiệp chậm cổ phần hóa, sắp xếp theo như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tiến độ đề ra. Đặc biệt, nhiều tiến độ, dự án yếu kém chậm được xử lý, kết quả chưa thực chất.
“Để kinh tế Nhà nước là then chốt, doanh nghiệp Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, một mặt phải hoàn thiện chính sách, làm nghiêm theo pháp luật, mặt khác phải nhanh chóng đổi mới, tạo ra động lực cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển; có như vậy mới xứng đáng với vị trí then chốt, chủ đạo”, Trưởng Ban Kinh tế nói.
Tại Hội nghị, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, Thủ tướng cũng đồng ý sửa đổi Nghị định 132 về bổ sung các dự án điện và được vay vốn ưu đãi ODA, tuy nhiên triển khai sửa đổi nghị định này còn chậm.
Dù Tập đoàn cũng đã xây dựng một chiến lược phát triển ngành điện trình Ủy ban, Ủy ban thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên nếu chưa có kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển điện lực quốc gia thì định hướng chiến lược của Tập đoàn cũng rất khó ban hành trước kết luận này.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đề nghị Trung ương sớm ban hành quy định về thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ thiết lập cơ chế phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Ông Thọ cho rằng: Các vấn đề liên quan đến xung đột trong quy định công tác tự kiểm tra của người đứng đầu cần có để siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Theo lãnh đạo VietinBank, cần sớm ban hành quy định và hướng dẫn xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đặc biệt là cơ chế đối với người đứng đầu đảm nhận các vị trí phụ trách và phụ trách các đơn vị có tính rủi ro cao, tạo môi trường điều kiện khuyến khích thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Nguyễn Tuyền