Trung tâm tình báo Hải quan sẽ có lợi cho doanh nghiệp?

Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung công bố thành lập Trung tâm Tình báo Hải quan nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính hải quan và nâng cao năng lực Hải quan VN, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lê Thành Hiện, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan.

Xin ông cho biết, vì sao phải thành lập Trung tâm Tình báo Hải quan (TTTBHQ)?

Năm 2005 được chọn là năm bắt đầu thực hiện kế hoạch hiện đại hóa Hải quan VN và TTTBHQ là một trong những điểm nhấn của kế hoạch đó. Điểm quan trọng xuyên suốt kế hoạch này là Hải quan VN sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy và phương thức hoạt động của mình. Nếu như trước đây Hải quan VN hoạt động theo phương thức tiền kiểm thì từ nay về sau sẽ chuyển sang hoạt động theo phương thức hậu kiểm.

Nhưng phương thức tiền kiểm đã được Hải quan VN áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua và cũng thu được những hiệu quả nhất định. Tại sao Hải quan VN không tiếp tục duy trì phương thức hoạt động này, thưa ông?

Thực ra, bên cạnh những ưu điểm thì phương thức tiền kiểm cũng tồn tại khá nhiều bất cập như: Khi doanh nghiệp có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, đều phải mất khoảng thời gian khá dài để khai báo và chờ lực lượng hải quan kiểm tra, rồi mới được thông quan…

Với cách làm truyền thống này, chắc chắn sẽ làm mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Hơn nữa, VN sắp gia nhập WTO, lúc đó lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ rất lớn, nếu chúng ta cứ rập khuôn áp dụng theo phương thức tiền kiểm, hàng hóa sẽ bị ách tắc, không thể thông quan ngay được.

Đó chính là lý do vì sao chúng tôi buộc phải áp dụng phương thức hoạt động mới để tạo ra được sự cân bằng giữa việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và kiểm soát tình hình hàng hóa xuất nhập khẩu được chặt chẽ hơn.

Vậy theo ông, cái được nhất đối với doanh nghiệp khi Hải quan VN áp dụng hoạt động theo phương thức hậu kiểm là gì?

Tôi cho rằng, khi áp dụng hoạt động phương thức hậu kiểm, cái được nhất của doanh nghiệp là không còn bị mất quá nhiều thời gian vào việc làm thủ tục xuất nhập khẩu và xếp hàng chờ lực lượng hải quan tiến hành kiểm tra hàng hóa.

Tất nhiên, để làm được điều đó, chúng tôi cần phải có lực lượng tình báo hải quan thường xuyên điều tra, thu thập, phân tích, đánh giá và cung cấp một cách toàn diện về những thông tin có liên quan đến tất cả các lô hàng, để giúp chúng tôi khẳng định được lô hàng này có sai phạm hay không. Phụ thuộc vào chất lượng nguồn tin mà chúng tôi sẽ ra quyết định có kiểm tra lô hàng đó hay không.

Đối với những lô hàng và doanh nghiệp không có sai phạm, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thông quan ngay, còn với những lô hàng có dấu hiệu sai phạm sẽ bị lực lượng hải quan tiến hành kiểm tra ngay.

Nhưng điều tra, thu thập, phân tích, đánh giá thông tin cũng là hoạt động hàng ngày của cán bộ Cục điều tra chống buôn lậu, thưa ông?

Đúng là nghiệp vụ này vẫn được cán bộ hải quan áp dụng từ nhiều năm nay nhưng mới chỉ ở tầm chiến thuật và được áp dụng trong những sự vụ cụ thể. Khi thành lập TTTBHQ, những nghiệp vụ này sẽ được nâng lên tầm cao hơn.

Trung tâm có nhiệm vụ thu thập thông tin, kiểm soát các doanh nghiệp vi phạm để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan, các đơn vị Hải quan khác để đưa ra những quy chế, chính sách phù hợp với tình hình cụ thể và phục vụ thông quan, kiểm tra sau thông quan; phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Để vận hành TTTBHQ, Tổng cục Hải quan có cơ chế phối hợp với các đơn vị khác cũng có chức năng chống buôn lậu ra sao, thưa ông?

Hiện nay, chúng tôi vẫn thực hiện quy chế phối hợp giữa hải quan và lực lượng biên phòng, công an và quản lý thị trường. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể thuộc chức năng quản lý của đơn vị nào, chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp với đơn vị đó.

Còn nếu thuộc lĩnh vực trách nhiệm của riêng hải quan thì chúng tôi sẽ độc lập giải quyết. Và TTTBHQ là một đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan nên khi hoạt động cũng không nằm ngoài quy chế này.

Khi VN chính thức gia nhập WTO, sẽ có nhiều tổ chức tội phạm kinh tế quốc tế xâm nhập vào nước ta. Liệu TTTBHQ có ngăn chặn được loại tội phạm này?

Tất nhiên là được. Khi VN gia nhập WTO, hàng rào thuế quan sẽ bị tháo bỏ, nhiều loại tội phạm kinh tế theo đó mà xâm nhập vào nước ta. Hiện nay, bên cạnh các kênh thông tin trong nước từ: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quản lý thị trưởng…, chúng tôi còn có nguồn thông tin từ Tổ chức tình báo Hải quan quốc tế.

Bên cạnh một số tội phạm như buôn bán, vận chuyển ma túy, thuốc nổ, súng đạn, văn hóa phẩm đồi trụy… thì những loại tội phạm mới như rửa tiền, lưu hành tiền giả đang được lực lượng tình báo Hải quan quốc tế và Hải quan Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Vậy nhân lực cho TTTBHQ sẽ được xây dựng từ nguồn nào, thưa ông?

Vì Trung tâm tình báo mới thành lập, lại có đặc thù hoạt động riêng nên hiện nay chưa có cơ sở nào ở nước ta đào tạo. Để đáp ứng cho nhu cầu nhân sự trước mắt, chúng tôi buộc phải tuyển dụng những cán bộ ưu tú trong ngành Hải quan.

Tất nhiên, đó phải là những người không những có trình độ nghiệp vụ, có năng khiếu, mà còn phải có trình độ ngoại ngữ. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Tài chính phải có hướng đào tạo đội ngũ này một cách chuyên nghiệp thì mới đáp ứng được đòi hỏi của công việc.

Theo Tuổi trẻ/VOV