Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất của giới đầu tư

(Dân trí) - Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới Ernst & Young, Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2007, Ernst & Young đã tiến hành khảo sát ý kiến của 809 lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ và châu Á, thuộc các ngành nghề khác nhau, về những ưu tiên của họ trong hoạt động đầu tư.

 

Kết quả là gần một nửa (48%) các nhà đầu tư nước ngoài coi Trung Quốc là một trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất trong năm 2007, tăng so với tỷ lệ 41% của kết quả khảo sát năm 2006.

 

Họ cho biết Trung Quốc thu hút các nhà đầu tư nhờ chi phí nhân công thấp, lãi suất cạnh tranh và năng suất cao. Cơ sở hạ tầng, chất lượng của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trình độ học vấn của người lao động và tình hình chính trị ổn định là những lợi thế lớn nhất của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho biết mặc dù đứng đầu về chi phí nhân công nhưng Trung Quốc vẫn kém hấp dẫn về chất lượng nhân công - chỉ có 4% số nhà đầu tư tham gia khảo sát thấy Trung Quốc hấp dẫn nhất về tay nghề của người lao động.

 

Bên cạnh đó, chỉ có 4% nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc là nền kinh tế có sức hút lớn nhất về hoạt động R&D và chất lượng sản phẩm, trong khi đó có tới 43% chọn châu Âu và 27% chọn Bắc Mỹ.

 

Cuộc khảo sát của Ernst & Young xếp hạng các ưu tiên trong hoạt động đầu tư dựa trên các tiêu chí như thị trường và khả năng tiếp cận thị trường, nhân công và năng suất, hệ thống tài chính, luật pháp, các vấn đề môi trường và khu vực.

 

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, sau Trung Quốc, là Mỹ, với tỷ lệ 33% nhà đầu tư lựa chọn.

 

Có vẻ như Ấn Độ cũng ngày càng “được lòng” các nhà đầu tư nước ngoài, khi tỷ lệ “tín nhiệm” năm nay đã tăng lên 26% so với 11% của năm 2004.

 

Khác với Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước còn lại trong nhóm "BRIC" là Brazil và Nga lại ít được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý. BRIC là tên ghép từ chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của 4 nền kinh tế lớn mới nổi trên thế giới.

 

Mặc dù Nga có nguồn cung cấp năng lượng dồi dào nhưng tình hình chính trị bất ổn trong nước khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài “chùn bước”. Với Brazil cũng tương tự, nỗ lực lớn của chính phủ nước này trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô chưa đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư.

 

Đặng Lê

Theo China Daily