Trung Quốc thải bớt ngành thép, Việt Nam hứng
Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm sản lượng thép khoảng 100 triệu tấn trong vài năm tới, trong đó riêng năm 2014 là 80 triệu tấn.
Trung Quốc thải bớt...
Nguyên nhân của động thái trên là do Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa và ảnh hưởng của ngành sản xuất thép tới môi trường.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội thép và quặng sắt Trung Quốc (CISA) Chi Jingdong, xuất khẩu thép của nước này có thể giảm trong năm 2015 do Trung Quốc không có kế hoạch mở rộng xuất khẩu mặt hàng này.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Từ 30/10-1/11: Triển lãm quốc tế Nhượng quyền thương hiệu và Bán lẻ 2014 |
Khối lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng thêm 10 triệu tấn trong tám tháng đầu năm nay, đạt 14,8 triệu tấn, một phần là do sự hồi phục nhu cầu thép trên thị trường toàn cầu.
Ông Chi cho biết hiệu quả hoạt động của các nhà máy sản xuất thép ở nước này sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm 2014 do giá nguyên liệu phôi thép và than đã giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận của các công ty thép vẫn thấp do giá thép trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức thấp.
... Việt Nam hứng
Trong khi Trung Quốc hạn chế phát triển ngành thép thì tại Việt Nam, một cuộc khảo sát, thống kê việc ứng dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp sản xuất thép được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiến hành năm 2007 cho thấy, nhóm các nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của Italy, Nhật Bản, công suất mỗi năm từ 250 đến 400 nghìn tấn/nhà máy và chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, khoảng 25%.
Nhóm trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 55%, bao gồm các nhà máy thép cũ, sử dụng thiết bị Trung Quốc, quy mô sản xuất mỗi năm từ 120 đến 200 nghìn tấn/nhà máy. Còn nhóm lạc hậu chiếm khoảng 20%, là các nhà máy cán quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị tự chế tạo, công suất khoảng từ năm nghìn đến 20 nghìn tấn/năm.
Cũng theo thống kê của VSA, tính riêng 5 tháng đầu năm 2014, ngành này đã nhập khẩu 5,9 triệu tấn với kim ngạch 3,6 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng lưu ý là năm 2013 nhập khẩu từ Trung Quốc gần 4 triệu tấn.
Một trong những dự án thép "khủng" tại Việt Nam là Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư tại Hà Tĩnh. Mục tiêu của dự án xây dựng nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín và cảng nước sâu lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù Formosa tuyên bố sản phẩm chính của họ sẽ là thép tấm, với dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng theo ghi nhận máy móc thiết bị phục vụ cho dự án chủ yếu từ Trung Quốc.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Vũng Áng, dự án Formosa bắt đầu nhập khẩu máy móc, thiết bị từ năm 2010. Các mặt hàng này phục vụ chủ yếu cho các dự án lò luyện thép, nhà máy nhiệt điện đang triển khai xây dựng. Trong đó trên 90% được nhập về từ Đài Loan và Trung Quốc, phần còn lại là từ nhiều quốc gia khác như Đức, Bỉ, Úc...
Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu của dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi rất lớn như miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, chưa kể Formosa là đối tượng đầu tư trong khu vực được ưu tiên nên tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: "Trung Quốc đang thải bớt ngành thép ra, còn Việt Nam lại hứng lấy công nghệ này mà lại hứng với giá cao như vậy. Khi cộng tất cả ưu đãi vào thì thấy Việt Nam đang “mua” dự án với giá quá cao. Như vậy hỏi có đáng hay không?
Qua câu chuyện dự án này lại thấy bài học tương tự như trước đây Việt Nam bị hứng xi măng lò đứng do Trung Quốc thải ra. Họ bán và Việt Nam cũng ồ ạt đầu tư nhà máy xi măng. Sau đó đã bao nhiêu lần rút kinh nghiệm nhưng bài học đó lại đang lặp lại. Thậm chí lặp lại với quy mô rất lớn với biết bao ưu đãi".
Bà Lan cho rằng, hệ quả mà Việt Nam phải hứng chịu sẽ rất nặng nề. Điều dễ thấy nhất là sẽ làm cho một loạt doanh nghiệp trong ngành thép của Việt Nam sẽ điêu đứng.
Cũng phải nói rằng Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa của mình cũng đã từng theo phương châm ưu tiên công nghiệp nặng một cách hợp lý trước đây rất trọng ngành thép và đã đầu tư rất nhiều tiền của và được nhà nước bảo hộ một thời gian khá dài. Tức là nhà nước đã mất rất nhiều tiền để xây dựng nên ngành thép của mình thì bây giờ mình lại bỏ tiền ra mua doanh nghiệp mới vào để đập tan ngành thép sẵn có.
"Khi họ đập được ngành thép của Việt Nam rồi họ cạnh tranh lấn lát và sẽ trở thành vị thế độc quyền hoặc chi phối thị trường. Lúc đó thì không hiểu sẽ còn cái gì sẽ xảy ra với thép của Việt Nam.
Thêm nữa đây có thể thành tiền lệ xấu. Nếu Formosa được nhà nước ưu đãi cao như vậy thì rất có thể các doanh nghiệp khác cũng đòi hỏi thì sẽ giải quyết ra sao?", bà Lan lo ngại.
Theo An Nhiên