Trung Quốc tạm đóng đường biên mậu: Chỉ là đường mở và tạm thời
Mấy ngày gần đây, Trung Quốc cấm biên tại một số cửa khẩu như Móng Cái, Lạng Sơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận, thực chất phía TQ chỉ tạm đóng đường mở biên mậu (tiểu ngạch) trong một thời gian.
Đóng vì thủ tục
Có mặt tại đường mở biên mậu Bảo Lâm, thuộc địa bàn thôn Pò Nhùng, xã Bảo Lâm (TP. Lạng Sơn) vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy, tuy tình trạng ùn tắc xe chở tinh bột sắn như trước đã không còn, nhưng vẫn còn rất nhiều xe đang phải nằm chờ để làm thủ tục thông quan.
Hầu hết các lái xe, chủ hàng đã xuất được hàng (trước ngày 27/8, tại đây có khoảng 400 chiếc xe chở hàng bị ùn tắc do chờ thông quan trước ngày cấm – PV). Sở dĩ tình trạng ùn ứ ở đường mở biên mậu Bảo Lâm xuất hiện gần đây do phía TQ không có bến bãi, không cho xe container của Việt Nam chạy thẳng sang, vì vậy khách hàng TQ phải chở bằng xe nhỏ. Trung bình 1 container phải 5 – 10 xe con mới chở hết, thời gian vận chuyển lâu đã làm đoàn xe sau tắc ứ.
Ông Trần Văn Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: “Chúng tôi khẳng định, đến thời điểm hiện nay phía TQ hoàn toàn không đóng cửa khẩu, mọi việc thông quan vẫn diễn ra bình thường. Chúng ta phải hiểu một cách chính xác đâu là cửa khẩu, đâu là đường mở biên mậu hay còn gọi là điểm thông quan. Ngày 27/8 vừa qua, phía Trung Quốc có cho tạm đóng “đường mở biên mậu” Bảo Lâm trong thời gian một tuần tại mốc số 1140 thôi”.
Theo ông Toàn, đường mở biên mậu có quy mô nhỏ, nhiệm vụ chủ yếu là giao thương hàng hóa giữa cư dân hai huyện, tỉnh giáp biên của hai nước, chứ không có chức năng xuất khẩu hàng chính ngạch như cửa khẩu. Lý do đóng cửa do lái xe, chủ hàng phía TQ không chấp hành nghiêm chỉnh quy định của cơ quan TQ về tải trọng cho phép đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, theo ông Toàn còn một lý do nữa, có thể TQ muốn tăng cường điều tiết, kiểm soát thị trường trong nước, đồng thời tăng cường chống hàng lậu, hàng giả, hàng tạm nhập tái xuất như hàng đông lạnh, thực phẩm, đường sữa, mỹ phẩm… Được biết, tinh bột sắn, hạt điều, cá khô là mặt hàng chủ yếu được xuất qua điểm mở biên mậu Bảo Lâm.
Vẫn xuất được hàng
Trao đổi với phóng viên, ông Vy Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: “Tại một số đường mở biên mậu, phía TQ không có lực lượng hải quan, mà chỉ có lực lượng biên mậu, vì vậy khi họ “đóng cửa”, rất khó liên lạc để giải quyết”.
Tuy nhiên, theo ông Tường, đây chỉ là điểm thông quan nhỏ, số lượng hàng xuất ít. Về cơ bản, việc đóng cửa điểm thông quan Bảo Lâm không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu của nước ta, song do phải chuyển địa điểm, có thể các chủ hàng sẽ tốn thêm ít phí vận chuyển.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngoài cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, còn có các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma… và một số đường mở biên để trao đổi giữa cư dân biên mậu của hai nước Việt Nam và TQ.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, trung bình khoảng 750 xe/ngày, tương đương 22.500 tấn hàng, chủ yếu xuất, nhập hàng nông sản là chính.
Tại cửa khẩu Cốc Nam, theo ghi nhận, có một số xe chở dừa đã nằm ở đây 4 ngày qua, nhưng không phải do đóng cửa, mà do phía khách hàng không thuê được xe để chở.
Anh Nguyễn Văn Tuyến - một lái xe chở container dừa từ Bến Tre đang nằm ở cửa khẩu cho xuất hàng cho hay: “Tôi nằm đây 4 ngày rồi, họ bảo chưa thuê được xe nên mình phải chờ thôi. Trung bình mỗi ngày tiêu hết 250.000 đồng tiền ăn, đó là chưa kể hỏng xe do phải chịu tải mấy ngày trời, cứ đà này thì chỉ có nước bán xe”.
Theo ông Trần Văn Nghĩa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam, năm 2012 cửa khẩu đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 399% so với cùng kỳ năm 2011. “Có lẽ một số điểm thông quan bị tắc, lưu thông chậm, nên nhiều khách hàng đã chọn Cốc Nam để xuất, nhập hàng, nên tỷ lệ tăng trưởng của cửa khẩu đạt gần 400%, cao nhất từ trước đến nay” – ông Nghĩa cho biết.
Chi phí xuất khẩu ngày càng cao
Bà Hồng Thu - chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng hoa quả qua biên mậu ở Bến Tre sang TQ cho biết: “Những năm gần đây “chi phí” xuất hàng sang TQ ngày càng cao hơn, kiểm tra cũng nhiều hơn và mức tiêu thụ cũng giảm dần nên nhiều chủ hàng đang tìm cách chuyển sang thị trường Thái Lan. Các mặt hàng hoa quả của Trung Quốc thường nhập chủ yếu là thanh long, nhãn... Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin phía đối tác cho biết do bị cấm chở quá tải nên phải tăng thêm xe vận chuyển, đồng nghĩa với việc tăng chi phí và giảm giá thành. Điều này khiến giá một số mặt hàng hoa quả trong nước cũng bị tác động”.
Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết: “Hiện TQ đang đẩy mạnh kiểm tra thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm điều tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Để đảm bảo thực hiện hợp đồng xuất khẩu vào thị trường TQ, Vinacas khuyến cáo doanh nghiệp hội viên một số nội dung cụ thể như: Nên kiểm tra, xem xét kỹ (nếu đã ký kết hợp đồng giao hàng xa trong giai đoạn hiện nay); cần lựa chọn phương thức giao hàng tại nhà máy và yêu cầu khách hàng thanh toán 100% trị giá hợp đồng sau khi nhận hàng; cần quan tâm đến số lượng, chất lượng và bộ chứng từ hoàn chỉnh theo đúng hợp đồng đã ký”.
Theo một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), một số mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang TQ với lượng lớn là thanh long, chôm chôm, vải thiều, nhãn, cao su… trong đó nhiều mặt hàng đã được thực hiện xuất khẩu qua con đường chính ngạch. Hiện nay, ở hầu hết các cửa khẩu vẫn thông quan bình thường, phía TQ chỉ thông báo cấm một số mặt hàng tạm nhập, tái xuất. |
Theo Việt Tùng – Thanh Xuân
Dân Việt