Trung Quốc: Những dấu hiệu cảnh báo về tài chính đang nhấp nháy ở khắp nơi

(Dân trí) - Từ vấn đề niềm tin của các ngân hàng nông thôn tới tình trạng nợ nần quá lớn của người tiêu dùng là các dấu hiệu căng thẳng tài chính ở Trung Quốc đang khiến các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này lo lắng.

Trung Quốc: Những dấu hiệu cảnh báo về tài chính đang nhấp nháy ở khắp nơi - 1

Chính phủ của ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc “cân bằng” các mục tiêu tiêu chính sách khi vừa phải hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà không khuyến khích những rủi ro đạo đức và chi tiêu liều lĩnh. 

“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng hỗ trợ ở mức tối thiểu để duy trì nền kinh tế trên con đường của nó”, ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs Group Inc., cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg TV.

Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là "sức khỏe" của một số tổ chức cho vay và doanh nghiệp nhà nước - những công ty đi vay đang có nguy cơ yếu đi nếu không có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Nguy cơ vỡ nợ gần đây của Tewoo Group, một công ty kinh doanh hàng hóa khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã khiến nhiều người lo ngại về sự hỗn loạn tài chính xảy ra nhiều hơn ở quốc gia này.

Những lo ngại đã xuất hiện trên khắp đất nước Trung Quốc trong những tháng gần đây, thường tập trung vào các ngân hàng nhỏ. Niềm tin vào các tổ chức này đã suy yếu kể từ tháng Năm, khi các nhà quản lý ngân hàng kiểm soát quá mức với một số người cho vay ở Nội Mông và áp đặt tổn thất lên các chủ nợ. 

Trong Báo cáo ổn định tài chính hàng năm được công bố trong tuần này, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã xếp loại 586 ngân hàng trong gần 4.400 tổ chức cho vay là rủi ro cao, con số lớn hơn so với năm ngoái. Báo cáo cũng nhấn mạnh những nguy cơ liên quan đến đòn bẩy tiêu dùng gia tăng, cho biết nợ hộ gia đình đã tăng vọt lên 99,9% trong năm 2018 từ mức 93,4% một năm trước đó.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác từ lâu đã cảnh báo về những rủi ro của nợ doanh nghiệp quá mức, đã tăng lên mức kỷ lục 165% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2018, theo Bloomberg.

Hiện tại, các nhà đầu tư dường như đang đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách có thể quản lý rủi ro tài chính của đất nước này và tiếp tục giữ cho nền kinh tế phát triển.

Đồng thời, có nhiều dấu hiệu bất ổn trong thị trường chứng khoán. Một sự sụt giảm đột ngột của chứng khoán Hồng Kông vào thứ Sáu đã lan sang thị trường nội địa khi chỉ số Hang Seng China Enterprise Index giảm tới 2,6%.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác cho biết họ đang buộc các ngân hàng gặp khó khăn phải tăng vốn, cắt giảm các khoản nợ xấu, hạn chế cổ tức và thay thế nhà quản lý. Họ cũng đã thực hiện một gói các biện pháp sâu rộng nhằm khuyến khích sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ và tranh thủ sự viện trợ từ chính quyền địa phương.

Hôm thứ Năm, Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Liu He chủ trì, đã kêu gọi nhiều cách để tăng cường sức mạnh vốn tại các ngân hàng nhỏ và thiết lập một cơ chế dài hạn để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro.

Đầu tuần này, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết cần có nhiều nỗ lực hơn trong việc bảo vệ các cổ đông, đặc biệt là các nhà đầu tư bán lẻ, đồng thời chống lại rủi ro thanh khoản và tín dụng trên thị trường vốn.

Trong một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách có thể ngày càng lo ngại về những rủi ro bất lợi cho nền kinh tế, Bộ tài chính Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư rằng họ đã ra lệnh cho chính quyền địa phương đẩy nhanh việc phát hành nợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Động thái này đã làm nổi bật vấn đề nan giải về chính sách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt: Mặc dù các biện pháp hỗ trợ như vậy có thể giúp củng cố sự ổn định kinh tế và tài chính trong ngắn hạn, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến các rủi ro liên quan đến các khoản nợ lớn hơn.

“Các nhà chức trách đã cố gắng đưa “kỷ luật” vào thị trường, nhưng mỗi khi điều đó xảy ra, hậu quả thường trở nên đáng sợ hơn”, ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh nói. “Bạn càng mất nhiều thời gian để giải quyết nó, thị trường càng trở nên méo mó và việc xử lý các hệ quả ngày càng trở nên khó khăn”.

Thùy Dung

Theo Bloomberg