Trung Quốc mất 5.000 tỷ USD: Sau hoảng loạn là bế tắc?

Hàng loạt biện pháp mạnh tay, thậm chí chưa có tiền lệ, đã được tung ra nhưng TTCK Trung Quốc vẫn chao đảo và được dự báo còn giảm tiếp dù đã bốc hơi 5.000 tỷ USD. Nỗi sợ hãi vẫn hiện hữu và thế giới chưa hết lo ngại nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa.

Vật vã với bong bóng

Tại Hội nghị G20 ngày 4-5/9 tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Trung Quốc thừa nhận thị trường chứng khoán (TTCK) nước này rơi vào tình trạng bong bóng.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên cho rằng, bong bóng chứng khoán Trung Quốc đã vỡ và quá trình điều chỉnh của TTCK gần như đã kết thúc. Ông cũng đưa ra những lời lẽ trấn an quốc tế về sự ổn định của đồng NDT, TTCK cũng như các cam kết cải cách kinh tế.

Trước đó, trong hội nghị, đại diện PBOC thừa nhận, bong bóng chứng khoán Trung Quốc đã liên tục phình to, tăng tới 70% trong vòng 3 tháng tính cho tới giữa tháng 6. Sự tăng đột biến của các NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu đã tạo ra bong bóng chứng khoán và buộc Bắc Kinh phải can thiệp để tránh “rủi ro hệ thống” và một sự sụp đổ trên TTCK.

Kể từ giữa tháng 6, TTCK Trung Quốc đã trải qua 3 đợt điều chỉnh, trong đó đợt gần nhất vào giữa tháng 8 đã tác động tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu. Tổng cộng, TTCK đã giảm gần 40%, bốc hơi khoảng 5 ngàn tỷ USD.

TQ, đầu tư, chứng khoán, cổ phiếu, Bắc-Kinh, Tập-Cận-Bình, President-Xi-Jinping, Trung-Quốc, Biển-Đông, chứng-khoán, Shanghai-Composite-Index, Hang-Seng, Nikkei, cường-quốc, nước-lớn, Đông-Tây, châu-Âu, Mỹ, ASEAN, Obama, EU, giải-cứu, xuất-khẩu, đầu-tư, t

Chứng khoán Trung Quốc đổ dốc từ giữa tháng 6/2015. (Nguồn: Bloomberg)

Chính phủ Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp can thiệp, trong đó có những biện pháp chưa có tiền lệ như: ngừng giao dịch hàng ngàn mã cổ phiếu; cấm cổ đông lớn bán cổ phiếu; cho phép quỹ hưu trí mua cổ phiếu.... Trong tháng 8, PBOC đã hạ lãi suất lần thứ 5 kể từ 11/2014 và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các NHTM.

Gần đây, một chiến dịch tìm kiếm những hành vi thao túng thị trường đã được tung ra. Trung Quốc đã bắt một số lãnh đạo ở CTCK lớn nhất đại lục - Citic Securities, một nhân viên ở UBCK và một nhà báo… Có 3 CTCK đã bị phạt tổng cộng hơn 70 triệu USD vì kinh doanh chứng khoán trái phép.

Trước đó, các CTCK cũng đã được yêu cầu góp gần 16 tỷ USD vào quỹ giải cứu TTCK. Trên thị trường tiền tệ, chính phủ bơm hàng trăm tỷ USD để duy trì sự ổn định… Tuy nhiên, áp lực bán dường như vẫn còn.

TTCK giảm trong phiên 2/9 trước kỳ nghỉ lễ kỷ niệm chiến thắng. Trước đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 12% trong tháng 8 sau khi đã giảm 14% trong tháng 7. Tính từ giữa tháng 6, chỉ số này vẫn đang giảm khoảng 39%.

Hồi giữa tháng 6, theo Bloomberg, TTCK Trung Quốc đã rầm rập tăng điểm và có vốn hóa lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 ngàn tỷ USD, ghi nhận quy mô lớn gấp đôi thị trường Nhật, tương đương 40% TTCK Mỹ và chiếm 13% vốn hóa chứng khoán toàn cầu. Tỷ lệ này trước đó 6 tháng chỉ là 5%.

Ồ ạt giải cứu, lo ngại vẫn còn

Hàng loạt các biện pháp đã được đưa ra. Sự ổn định đã được khẳng định. Chứng khoán TQ cũng đã giảm nhanh hơn bất cứ TTCK nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, nỗi lo sợ vẫn còn hiện hữu đối với cả các NĐT trong nước và quốc tế.

TQ, đầu tư, chứng khoán, cổ phiếu, Bắc-Kinh, Tập-Cận-Bình, President-Xi-Jinping, Trung-Quốc, Biển-Đông, chứng-khoán, Shanghai-Composite-Index, Hang-Seng, Nikkei, cường-quốc, nước-lớn, Đông-Tây, châu-Âu, Mỹ, ASEAN, Obama, EU, giải-cứu, xuất-khẩu, đầu-tư, t

Chứng khoán Trung Quốc vẫn đắt nhất thế giới dù đã bốc hơi 5 ngàn tỷ USD. (Nguồn: Bloomberg)

Theo Bloomberg, sau khi đã giảm rất sâu, chỉ số Shanghai Composite hiện vẫn cao hơn gần 40% so với trước đó 12 tháng và cao gấp 1,5 lần so với mức trung bình trong vòng 5 năm qua. Chỉ số lợi giá/lợi nhuận (P/E) trung bình của chứng khoán Trung Quốc hiện vẫn đắt nhất trong 10 TTCK lớn nhất thế giới, cao gấp hơn 2 lần so với P/E trung bình của Mỹ. Và rất nhiều chuyên gia đã dự báo: cổ phiếu Trung Quốc sẽ còn giảm giá.

Theo đó, những nỗ lực nâng đỡ TTCK của chính phủ Trung Quốc là vô ích và họ hy vọng Trung Quốc sẽ giảm can thiệp vào thị trường này sau 2 tháng với hàng loạt các nỗ lực bất thành.

Sau 2 phiên đóng cửa giao dịch (3-4/9), tính tới 14h43 chiều 7/9, Shanghai Composite giảm 2,95% xuống còn 3.067 điểm. Trong khi chuyên gia từ UBS Group AG cho rằng, Trung Quốc nên để cho chứng khoán tự điều chỉnh và chỉ số Shanghai Composite có thể sẽ rơi về khoảng 2.500-2.800 điểm.

Cũng theo Bloomberg, các nhà quản lý quỹ ngoại đang đẩy mạnh bán cổ phiếu trên sàn Thượng Hải. Các NĐT ngoại lo ngại, TTCK vẫn trong tình trạng bong bóng và bởi vì sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc nên thị trường chưa có điểm cân bằng thực sự.

Theo nhiều NĐT, tăng giảm là chuyện bình thường trên TTCK. Việc chỉ số Shanghai Composite giảm 40% trong một thời gian ngắn, TTCK Trung Quốc bốc hơi 5 ngàn tỷ USD là một cú sốc thực sự không chỉ đối với 90 triệu NĐT chứng khoán tại Trung Quốc mà còn đối với nhiều TTCK trên thế giới. Tuy nhiên, nếu so với cú tăng hơn 150% trong một năm trước đó, con số giảm 40% chưa thấm vào đâu.

Vấn đề nằm ở chỗ, những động thái giải cứu TTCK của Trung Quốc có lẽ đã không giải quyết được tận gốc câu chuyện tăng trưởng chậm lại và dường như đang đi chệch hướng của kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp đưa ra gần đây chỉ mang tính tạm thời. TTCK đã tăng quá nhiều trong khi nền kinh tế đang ngày càng đuối sức. Mô hình phát triển dựa trên đầu tư và xuất khẩu đã không còn phát huy hiệu quả. Định hướng chuyển sang mô hình phát triển dựa vào dịch vụ và tiêu dùng trong nước đã được đặt ra. Tuy nhiên, vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể.

Quyết định phá giá đồng NDT hồi giữa tháng 8 cho thấy, nền kinh tế lại đang tìm tới chiếc phao xuất khẩu vốn đã lỗi thời. Trong cuộc họp G20 vừa qua, các nước đã thống nhất tránh một cuộc chiến phá giá tiền tệ nhưng đã phải đặt sang một bên nỗi lo về những tác động tiêu cực của khả năng Fed tăng lãi suất và chứng khoán Trung Quốc bất ổn.

Theo H. Tú
VEF

Trung Quốc mất 5.000 tỷ USD: Sau hoảng loạn là bế tắc? - 3