Trung Quốc loay hoay với “núi” nợ gần 3.000 tỷ USD của các địa phương

(Dân trí) - Kiểm toán quốc gia Trung Quốc mới đây đã công bố số nợ và bảo lãnh nợ của các địa phương nước này đã tăng vọt 67%, lên 17,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 2950 tỷ USD. Đây được xem như thách thức lớn với việc cải tổ kinh tế nước này.

Hôm qua (30/12), ông Tập Cận Bình đã trở thành người đứng đầu một ủy ban giám sát cải cách kinh tế Trung Quốc - một diễn biến cho thấy sự quan tâm của chính quyền Bắc Kinh đối với vấn đề thời sự này. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Wall Street Journal, phía trước ông Tập là những trở ngại không nhỏ, đặc biệt là “núi” nợ gần 3000 tỷ USD của các địa phương.

Những trụ sở hoành tráng góp phần vào gánh nặng nợ nần của các địa phương
Những trụ sở hoành tráng góp phần vào gánh nặng nợ nần của các địa phương

Theo con số vừa được Cơ quan kiểm toán quốc gia nước này công bố, tính tới 30/6/2013, tổng số nợ và bảo lãnh được phát hành bởi chính quyền các địa phương đã tăng vọt 67% so với thời điểm cuối năm 2010, lên mức 17,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 2950 tỷ USD. Trước đó năm 2010, con số này được công bố ở mức 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Kỳ vọng nâng room khối ngoại tại một vài doanh nghiệp trong vài ngày tới

Cơ quan kiểm toán khẳng định nợ của các địa phương tăng cao do chi tiêu gia tăng ở mọi hạng mục, từ những trụ sở đồ sộ tới những tuyến đường cao tốc nhiều làn xe hay các công viên thành phố. Ở mọi cấp, từ các tỉnh tới 33.000 thị trấn, hoạt động tiêu xài đều rầm rộ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân vào hàng cao nhất thế giới, ở mức khoảng 10%, của Trung Quốc trong 3 thập niên qua chủ yếu do chính quyền các địa phương chi tiêu mạnh tay cho những dự án như đầu tư xây dựng.

Nhưng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, hoạt động xây dựng càng phụ thuộc lớn hơn vào vốn vay, và thường tạo ra những dự án bỏ hoang, vốn đang rất khó khăn trong việc chi trả chi phí, các nhà kinh tế cho biết. Trong khi đó, gần một nửa số nợ sẽ đến hạn vào cuối năm 2014.

Nguy cơ vỡ nợ cao hơn 50%

Stephen Green, nhà kinh tế của ngân hàng Standard Chartered nhận định xác suất hơn 50% sẽ xảy ra tình trạng một chính quyền địa phương nào đó không thể thanh toán trái phiếu đúng hạn trong năm tới. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên đối với Trung Quốc, nơi mà các quan chức chính phủ thường là người ra lệnh cho các định chế tài chính hỗ trợ những người đi vay gặp khó khăn.

Rất nhiều dự án đầy tham vọng đang bị bỏ hoang
Rất nhiều dự án đầy tham vọng đang bị bỏ hoang

Thật khó có thể đo đếm được ảnh hưởng của một vụ vỡ nợ như vậy đối với kinh tế Trung Quốc. Một mặt, nó sẽ khiến nhận thức về rủi ro đối với thị trường này tăng lên, và dẫn đến việc hạn chế cho vay đối với các chính quyền đã không thể hoàn thành nghĩa vụ một cách đầy đủ.

Tuy nhiên dấu hiệu về căng thẳng thanh khoản tại Trung Quốc thường có xu hướng khiến thị trường lo sợ một cách khó lường, và bất kỳ sự hoảng loạn nào nếu xảy ra, sẽ làm cho các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh khó có thể kiểm soát.

Việc giảm bớt các dự án của chính quyền địa phương là vấn đề khó khăn với Bắc Kinh. Hiện Trung Quốc đã xuất hiện ngày một nhiều các dự án nhà ở bỏ không hoặc vắng người ở. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại các khu công nghiệp, khu kinh doanh, thậm chí toàn bộ một thành phố, do hậu quả của những kế hoạch quá tham vọng của các địa phương.

Trong ngắn hạn các dự án xây dựng bỏ không vẫn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong dài hạn, chúng sẽ trở thành những gánh nặng tài chính, ngốn hết nguồn tiền trả nợ và khiến nhiều chính quyền địa phương thiếu ngân sách cho các vấn đề xã hội, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội.

Việc ông Tập hôm thứ hai nhậm chức người đứng đầu “nhóm chỉ đạo” cải cách toàn diện - giữ vai trò chính trong việc thúc đẩy những cải cách được các lãnh đạo đảng Cộng Sản nước này vạch ra hồi tháng trước - là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Tập đã nắm quyền kiểm soát chính sách kinh tế. Suốt 2 thập niên qua, vai trò này thường dành cho thủ tướng Trung Quốc.

Dù vậy, vào thời điểm này, tình trạng nợ nần tăng nhanh là một thách thức với ông Tập, các nhà kinh tế nhận định. Ông có thể dùng ngân sách trung ương và các quy định để ra lệnh cho các ngân hàng hạn chế cho vay. Nhưng điều đó sẽ khiến các địa phương càng phải vay vốn với lãi suất cao hơn từ các nguồn khác, và càng lệ thuộc vào nợ vay.

Hoặc, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể tấn công trực diện vào thực trạng hiện nay bằng cách tăng thuế, bán bớt tài sản và để cho một vài vụ phá sản diễn ra như một biện pháp cảnh báo các định chế tài chính hoặc chính quyền địa phương.

Theo các nhà kinh tế, hiện những người cho vay đều tin rằng Bắc Kinh sẽ luôn ra tay để ngăn chặn phá sản, và do vậy càng cho vay một cách rủi ro hơn. Nhưng việc để xảy ra phá sản cũng có khả năng gây phản ứng ngược, nếu những chủ nợ khác hoảng sợ và yêu cầu tăng lãi suất các khoản cho vay mới hoặc phát hành trái phiếu mới.

“Rủi ro ở đây đó là chi phí vay vốn đột ngột tăng đối với nhiều công ty của các địa phương và sẽ có thêm nhiều vụ phá sản”, ông Green nhận định.

Chuyên gia về Trung Quốc Eswar Prasad, đến từ đại học Cornell thì nhận định cho dù “Trung Quốc có đủ nguồn lực để ngăn vấn đề nợ của chính quyền địa phương không trở thành một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện”, sự gia tăng nhanh chóng nợ nần “gây ra rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính Trung Quốc”.

Tỉ trọng nợ vay so với GDP tại các địa phương của Trung Quốc đã tăng mạnh, từ mức 26,6% năm 2010 lên 31% cuối năm 2012. Trong khi đó ở Mỹ, tỉ lệ này vào cuối tháng 9 vừa qua chỉ là 18%, theo số liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ tại St. Louis.

Tính đến tháng 6/2013, chính quyền các địa phương Trung Quốc vay từ các ngân hàng 10,12 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm 56,6% tổng nợ của các địa phương. Tỉ lệ này thấp hơn con số gần 80% cuối năm 2010. Điều đó có nghĩa là thay vì vay các ngân hàng, ngày càng nhiều địa phương tìm đến các nguồn vốn khác, trong đó có tín dụng đen với lãi suất cao hơn.

Thanh Tùng
Theo WSJ
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước