1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc làm dự án đường sắt 6,8 tỷ USD tại khu vực tranh chấp với Ấn Độ

Thùy Dung

(Dân trí) - Trung Quốc và Pakistan đã tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng ở Kashmir, nơi hai nước có tranh chấp lãnh thổ riêng lẻ với Ấn Độ.

Trung Quốc làm dự án đường sắt 6,8 tỷ USD tại khu vực tranh chấp với Ấn Độ - 1
“Đường cao tốc hữu nghị” chạy từ thủ đô Islamabad của Pakistan đến Kashgar ở vùng Tân Cương của Trung Quốc. Ảnh: AF

Hôm thứ 4 vừa qua, Islamabad đã thông qua việc nâng cấp một tuyến đường sắt trong khu vực với số tiền đầu tư lên đến 6,8 tỷ USD. Kế hoạch này được xem như một phần trong sáng kiến Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 57 tỷ USD sẽ tạo kết nối thương mại Đông - Tây và mang lại nhiều lợi ích cho cả Trung Quốc và Pakistan.

Cũng trong tuần này, Bắc Kinh đã công bố mở một đoạn đường dài 118 km từ Thakot đến Havelian như một phần của dự án đường bộ chạy từ Islamabad đến Kashgar ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.

Con đường mới này sẽ chạy gần với khu vực nơi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cực tây của Ấn Độ trong lãnh thổ hợp nhất của Jammu và Kashmir. Sau khi hoàn thành, công trình “Đường cao tốc Hữu nghị” này sẽ đi qua các khu vực của Kashmir thuộc bang Ladakh của Ấn Độ mà cả New Delhi và Islamabad đều tuyên bố chủ quyền.

Việc cùng nhau hợp tác mở tuyến đường mới là bằng chứng về mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan diễn ra một năm sau khi Delhi làm phiền lòng hai nước láng giềng bằng cách thu hồi các quyền hiến pháp đã trao cho Kashmir.

Wang Dehua, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thành phố Thượng Hải cho biết: “Ấn Độ khá lo lắng về các dự án giao thông của Trung Quốc và Pakistan. Vị trí chiến lược của khu vực này là vô cùng quan trọng và dự án đường cao tốc đã cho chúng ta thấy được điều đó”.

Theo ông Wang: “Trước đây, vấn đề Kashmir không phải là trọng tâm trong mối quan hệ tam giác giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, nhưng giờ đây nó rất quan trọng. Ấn Độ có những vấn đề phức tạp, đặc biệt là đối với Trung Quốc trong vấn hình thành khu vực mang tên Ladakh”.

Sau những thay đổi hiến pháp vào tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ tuyên bố Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của Ấn Độ nữa, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua với đa số phiếu tán thành quyết định của chính quyền liên bang, theo đó chia bang này thành hai vùng lãnh thổ liên hiệp - Jammu - Kashmir và Ladakh. Các vùng lãnh thổ liên hiệp được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với các bang, và phải chịu sự cai trị trực tiếp từ Delhi. Động thái này đã bị chỉ trích bởi Islamabad và Bắc Kinh, hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này”.

Trung Quốc làm dự án đường sắt 6,8 tỷ USD tại khu vực tranh chấp với Ấn Độ - 2
Trung Quốc và Pakistan đã tìm cách củng cố mối quan hệ của họ với việc phát triển một số dự án đường bộ và đường sắt lớn. Ảnh: Xinhua

Tuần này, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã công bố một bản đồ chính trị mới của đất nước ông, trên đó Jammu và Kashmir được đánh dấu là bị Ấn Độ “chiếm đóng bất hợp pháp” và Delhi đã gọi bản đồ của Pakistan là một "sự phi lý chính trị".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 4 cho biết rằng: “Bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở khu vực Kashmir đều là bất hợp pháp và không hợp lệ”.

Sự tranh chấp lãnh thổ đã dẫn đến bạo lực. Vào tháng 6 vừa qua, một cuộc đụng độ giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan ở Ladakh khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi quân đội Ấn Độ và Pakistan thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Jammu và Kashmir.

Du Youkang, giáo sư nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải - cho biết, quan điểm của Trung Quốc là để Pakistan và Ấn Độ tự thương lượng về sự khác biệt của họ, đồng thời nêu lên mối quan ngại của họ tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Ông nói: “Nếu Ấn Độ và Pakistan xảy ra chiến tranh, điều đó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình khu vực trên biên giới của Trung Quốc và đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.”

Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm thứ 5 cho biết, họ đã bác bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm bắt đầu một cuộc thảo luận về Jammu và Kashmir tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ nói rằng: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ của chúng tôi và kêu gọi Trung Quốc đưa ra những kết luận phù hợp từ một nỗ lực vô nghĩa như vậy”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm