Trung Quốc “khát” tiền lẻ
(Dân trí) - Giá trị của xu hoặc tiền giấy mệnh giá 1 nhân dân tệ ước tính sẽ tăng 3%, do tiền lẻ ngày càng khan hiếm. Lệ phí đổi tiền lẻ sang tiền chẵn khiến người dân Trung Quốc không muốn mang tiền xu đi đổi nữa.
Không sẵn tiền lẻ!
Bà Liễu lắc đầu với khách hàng tại một khu chợ ở Quảng Đông: “Không có tiền lẻ đâu! Cuối năm rồi không sẵn tiền lẻ!” Bà làm nghề đổi tiền lẻ từ năm 1998, hàng ngày dạo quanh các khu chợ nông sản để đổi tiền lẻ cho những người bán lẻ. Một tờ 100 NDT được đổi thành 100 tờ tiền giấy hoặc xu mệnh giá 1 NDT, trừ đi phí dịch vụ là 1 NDT. Đến đầu năm 2007, bà Liễu đã tăng phí dịch vụ lên 2 NDT, nhưng vẫn không có đủ tiền lẻ để đổi. Đến tháng 9/2007, phí tăng tiếp lên 2,5 NDT, và theo dự đoán của bà Liễu, phí sẽ tăng lên 3 NDT chỉ trong một thời gian ngắn nữa.
Với những người bán thịt hoặc rau ngoài chợ, đây quả là một tin xấu. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm tiền lẻ không ảnh hưởng đến các siêu thị lớn. Nhiều siêu thị ở Quảng Đông có chính sách giảm giá 6 NDT đối với hàng tạp phẩm nếu khách hàng có thể đổi 100 NDT thành tiền lẻ cho siêu thị. Nhiều siêu thị ở các thành phố duyên hải miền đông nam Trung Quốc lại có cách giải quyết khác: dùng kẹo hoặc khăn giấy thay cho tiền thừa trả lại khách.
Các công ty tàu điện ngầm cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền lẻ. Từ tháng 10/2007, để làm dịu cơn sốt tiền lẻ, các máy bán vé tự động ở Quảng Châu không nhận tiền mệnh giá 20 NDT. Thậm chí các ngân hàng cũng thiếu tiền lẻ trong nhiều tháng. Một vấn đề đặt ra là: Tiền lẻ đang ở đâu?
2/3 nằm trong dân
Cứ vào dịp đầu năm, các thùng tiền nhân dân tệ lại được tàu hỏa chở đi khắp Trung Quốc. Người ta xếp hàng ở các ngân hàng để đổi tiền lẻ, nhưng đến cuối năm lại xảy ra tình trạng cầu lại vượt cung. Giám đốc của một ngân hàng cho biết ngân hàng trung ương phân phối tiền mặt và tiền xu với tỷ lệ khá hợp lý, nhưng mỗi năm người dân Trung Quốc giữ lại 60-70% lượng tiền lẻ.
Người dân Trung Quốc hình thành thói quen tiết kiệm tiền lẻ từ nhỏ. Trẻ em dùng tiền xu bỏ lợn để tiết kiệm và thường “nuôi lợn” đến lúc trưởng thành. Thêm vào đó, mọi người khi về tới nhà vào cuối mỗi ngày thường trút hết tiền xu trong túi vào ngăn kéo, rồi phần lớn là quên luôn ở đó.
Một vấn đề nữa là việc chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh khiến tiền xu gần như chẳng còn mua được gì. Đồng 1 tệ giờ đây chủ yếu dùng để mua các mặt hàng giá trị thấp.
Đổi tiền lẻ sang tiền chẵn cũng phải trả phí
Nhìn đống tiền lẻ chất đầy ngăn kéo, nhiều người cũng muốn đem đổi sang tiền mệnh giá lớn, nhưng việc này cũng không đơn giản.
Ông Trương, ở Thẩm Dương, mang hai túi tiền xu tới một chi nhánh ngân hàng trong thành phố. Ông có tổng cộng 37.000 đồng xu, trị giá hơn 600 NDT, tích lũy trong chục năm qua. Theo quy định của ngân hàng, phí đổi 50 đồng xu là 1 NDT. Nếu đổi hết số tiền xu nói trên cho ngân hàng, ông Trương sẽ phải trả phí dịch vụ là 740 tệ, tức là lớn hơn tổng giá trị của 37.000 đồng xu. Vì thế, ông đành mang đống tiền xu về nhà, với lập luận “chả lẽ tôi lại phải cho không ngân hàng số tiền xu của mình?”
Hệ thống ngân hàng ở Thẩm Quyến, Thượng Hải và Bắc Kinh bắt đầu thu phí dịch vụ đổi tiền từ năm 2005. Các ngân hàng quy định phí dịch vụ 10 NDT đối với việc đổi 1.000 đồng tiền mệnh giá dưới 10 NDT, và phí dịch vụ 1 NDT đối với 50 đồng xu bất kể mệnh giá.
Sau khi quy định này được có hiệu lực, thiệt nhất là công ty xe buýt. Để tiết kiệm phí đổi tiền, công ty xe buýt Thẩm Dương quyết định trả lương nhân viên bằng tiền lẻ. Trong khi đó, tại nhà kho của công ty xe buýt Thanh Đảo, hàng đống tiền giấy mệnh giá nhỏ đang dần mục nát.
Mặc dù việc thu phí dịch vụ đổi tiền gây cản trở cho việc lưu thông tiền lẻ nhưng các ngân hàng không có sự lựa chọn nào khác. Theo tính toán của Ngân hàng Công thương Thượng Hải, nếu mỗi ngày tiến hành đổi 2,6 triệu NDT tiền xu thì ngân hàng sẽ phải phân công hơn 40 nhân viên đếm xu. Chi phí hàng năm cho việc này sẽ vượt quá 5 triệu NDT, và như vậy các ngân hàng vẫn lỗ ngay cả khi đã thu phí đổi tiền.
Giải pháp?
Vài năm trở lại đây, chi phí in tiền ở Trung Quốc tăng mạnh, khiến việc phát hành tiền mệnh giá 1 NDT hoặc dưới 1 NDT trở thành một gánh nặng tài chín đối với chính phủ nước này. Trên thực tế, chi phí in tiền mệnh giá 1 hào còn lớn hơn giá trị đồng tiền, còn chi phí in tờ 2 hào thì tương đương. Trong khi đó, tiền giấy thường bị hủy chỉ sau 4 vòng lưu thông.
Năm 2001, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ở Chiết Giang, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Quảng Châu và Sơn Đông khởi xướng đề án sản xuất tiền xu mệnh giá nhỏ. Ngân hàng sẽ tung một khối lượng lớn tiền xu ra thị trường và từ từ dừng phát hành tiền giấy mệnh giá 1 NDT hoặc nhỏ hơn.
Trên thực tế, việc lưu thông tiền xu mệnh giá nhỏ là xu hướng quốc tế. Năm 2000, tỷ lệ sở hữu tiền xu ở Nhật Bản là 748 đồng/người và ở Anh là 800 đồng/người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là dưới 80 đồng/người nếu tính về lượng tiền phát hành và 10 đồng/người nếu tính theo số tiền xu lưu thông trong thực tế.
Đa số người dân Trung Quốc không quen sử dụng tiền xu, và cũng không thích dùng tiền giấy mệnh giá nhỏ nhàu nát. Họ thường giữ tiền giấy mệnh giá nhỏ để mua những món hàng nhỏ.
Theo nhà kinh tế Mao Ngọc Thị, các ngân hàng phải chuẩn bị đủ tiền lẻ và ngân hàng Trung ương Trung Quốc cần đảm bảo có đủ tiền giấy mệnh giá nhỏ để đáp ứng nhu cầu thực sự trong giao dịch của người dân.
Các ngân hàng thì cho rằng nên khuyến khích giao dịch điện tử ở Trung Quốc, vì 80% thanh toán ở các nước phát triển được thực hiện qua hoạt động giao dịch điện tử. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng cần cấm hoạt động đổi tiền tư nhân, đồng thời ngân hàng nên chấm dứt việc thu phí đổi tiền. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng giá hàng hóa không nên kết thúc bằng những con số gây khó khăn cho việc trả lại tiền lẻ.
Xuân Vũ
Theo China