Trung Quốc dồn dập đầu tư vào Việt Nam: Có mừng, có lo

Trung Quốc đã bất ngờ vươn lên xếp thứ hai trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.

Qua phân tích số liệu cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc (TQ) tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam chủ yếu qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của TQ thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản... Đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Rất bất ngờ

Dự án nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD được DN TQ đầu tư tại Tây Ninh. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt vốn đầu tư 150 triệu USD do DN TQ đầu tư tại Bắc Giang.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm dự án mà các nhà đầu tư TQ đã rót vốn vào Việt Nam trong quý I-2017. Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho hay chỉ riêng tháng 2-2017, các nhà đầu tư TQ đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã tỏ ra rất bất ngờ với những diễn biến này. Bởi theo ông Thiên, nhiều năm qua, trong tốp năm nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, rất hiếm khi có sự góp mặt của TQ. Một trong các lý do khiến TQ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài vì muốn cứu tăng trưởng đang giảm ở nước mình.

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế TQ thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định: “Ngoài sự dư thừa vốn của nền kinh tế TQ thì việc các nhà đầu tư TQ gia tăng rót vốn vào Việt Nam còn do chính sách khuyến khích đầu tư ra bên ngoài của chính phủ nước này”.

Thêm vào đó hoạt động đầu tư của các DN trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi hay da giày vốn nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của TQ. Các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và các ngành dễ mất sức cạnh tranh khi chi phí lao động tăng cao đều được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, đối với những ngành như thép, hoạt động đầu tư sang Việt Nam có thể nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tránh bị chú ý điều tra. Ngoài ra có thể các công ty TQ muốn đầu tư vào Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu, vì nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với châu Âu.


Nhà máy giấy Lee&Man của doanh nghiệp Trung Quốc ở Hậu Giang bị người dân phản ánh gây ô nhiễm. Ảnh nhỏ: Người dân đang quét bụi do ô nhiễm từ nhà máy này. Ảnh: GIA TUỆ

Nhà máy giấy Lee&Man của doanh nghiệp Trung Quốc ở Hậu Giang bị người dân phản ánh gây ô nhiễm. Ảnh nhỏ: Người dân đang quét bụi do ô nhiễm từ nhà máy này. Ảnh: GIA TUỆ

Hậu quả sẽ khôn lường nếu…

Nhận định về việc TQ gia tăng đầu tư vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: “Có cái mừng, có cái lo!”.

Theo TS Phong, nguồn vốn đầu tư từ TQ gia tăng chứng tỏ quan hệ kinh tế hai nước có sự phát triển đáng kể. Nguồn vốn TQ có tác dụng giúp Việt Nam tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, điều mà Việt Nam đang tập trung.

Tuy vậy, TS Phong cho rằng còn nhiều nỗi lo về công nghệ, về tiến độ giải ngân, về chất lượng nguồn vốn cũng như sự minh bạch. Bởi nếu TQ đưa công nghệ tốt, công nghệ cao sang Việt Nam là điều mừng. Nhưng nếu họ đưa công nghệ cũ, lạc hậu sang thì sẽ gây ra hậu quả xấu.

“Xem xét các dự án đầu tư của TQ vào Việt Nam, tôi nhận thấy có rất nhiều dự án nằm ở ngành dệt may, nhiệt điện, hóa chất… Những ngành này có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, đòi hỏi phải có chính sách quản lý tốt. Xét một cách toàn diện, những điều lo nhiều hơn điều mừng” - TS Phong nói.

Một số chuyên gia khác cũng nhận xét do các ngành đầu tư của TQ là các ngành thâm dụng vốn nên việc giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam không nhiều. Đặc biệt nhiều ngành mà TQ đầu tư vào Việt Nam không thuộc nhóm công nghệ tiên tiến, hiện đại nếu không muốn nói là lạc hậu. Đó là chưa kể tỉ lệ giải ngân của các dự án từ TQ thường thấp, tiến độ giải ngân hay bị chậm trễ, đội vốn.

Tuy nhiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng dù muốn dù không, Việt Nam vẫn phải làm ăn với TQ. Đơn giản TQ là một thị trường lớn của cả thế giới, là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Do đó Việt Nam nên coi TQ là một đối tác mang đến cả cơ hội và thách thức.

“Chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường. Phải có chính sách quản lý công nghệ, chất lượng để đảm bảo các dự án đầu tư của bất cứ đối tác nào cũng không phương hại tới môi trường đầu tư và môi trường xã hội; đảm bảo công nghệ các dự án TQ đầu tư vào phải là công nghệ cao, hiện đại, không ảnh hưởng tới môi trường” - ông Thành nói.

"Quan trọng phải biết cách chơi”

Năm 2016, vốn đầu tư của TQ vào Việt Nam đạt mức 1,26 tỉ USD, chiếm 8,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2017, số vốn đầu tư của TQ đã tăng đột biến lên mức 721 triệu USD.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nói: “Nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư TQ không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường, công nghệ… Thế nhưng Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với TQ mà quan trọng phải biết cách chơi. Việt Nam có thể học theo mối quan hệ Phần Lan và Nga. Phần Lan đón nhận nguồn vốn đầu tư cực lớn từ Nga nhưng họ biết chọn lọc để phát triển công nghệ, phát triển kinh tế”.

“Đừng để dân phải tha phương cầu thực”

Ngày 4-4, đề cập đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và việc Nhà máy giấy Lee&Man của DN TQ gây ô nhiễm môi trường khiến dân bức xúc, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, nhấn mạnh: “Chúng tôi không tán thành thu hút đầu tư với những dự án gây ô nhiễm vì nó hủy hoại tài nguyên đang có, đồng thời làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Từ đó làm mất luôn tính kết nối về văn hóa, kết nối với nền tảng lao động sản xuất nông nghiệp, buộc người dân phải tha phương cầu thực thì rất nguy.

Đó là hậu quả kép của việc gây ra ô nhiễm môi trường”.

Nhẵn Nam ghi

Theo Chân Luận
Pháp luật TPHCM