Trung Quốc đe dọa các công ty khai thác dầu trên Biển Đông
(Dân trí) - Không ít tập đoàn thăm dò, khai thác dầu khí quốc tế trên Biển Đông đã bị Trung Quốc gây sức ép mỗi khi họ tham gia các dự án nằm trên vùng biển của Việt Nam. Tuy vậy, vẫn có ngày một nhiều công ty quốc tế tìm đến hợp tác với Việt Nam.
Các lãnh đạo của Talisman Energy Inc, một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất Canada đang rất phấn khởi về triển vọng đầy hứa hẹn đối với dự án dầu và khí đốt ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, và hiện đang tăng tốc để thực hiện hai giếng khoan thăm dò trong năm nay.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Sắp diễn ra làn sóng M&A thứ hai có giá trị 20 tỷ USD |
“Tôi có thể miêu tả đây như những khu vực khoan thăm dò đẳng cấp thế giới”, Paul Ferneyhough, phó chủ tịch phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Talisman, có trụ sở tại Calgary, Alberta, Canada cho biết. Theo ước tính của Mỹ, trữ lượng dầu tại Biển Đông đạt gần 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ m3 khí tự nhiên.
Dù vậy, có một vấn đề đó là, nếu tiếp tục dự án khoan thăm dò, Talisman có thể sẽ gặp khó khăn với Trung Quốc, nước tuyên bố một vài trong các lô thăm dò này thuộc sở hữu của họ. Cuối cùng ông Ferneyhough đã hài lòng với cam kết từ phía Việt Nam rằng, Talisman có quyền thăm dò tại các lô này.
Theo Tạp chí phố Wall, từ nhiều năm qua, việc tiếp cận tiềm năng phong phú của Biển Đông đã khiến nhiều công ty dầu khí toàn cầu bị cuốn vào tâm điểm trong cuộc tranh cãi, giữa Việt Nam và Trung Quốc về việc nước nào sở hữu nguồn tài nguyên này. Đến nay, các công ty rơi vào hoàn cảnh này có Exxon Mobil, Chevron, ConocoPhillips và BP.
Căng thẳng trên Biển Đông đã leo thang từ tháng 5 vừa qua, khi tổng công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan khổng lồ có giá gần 1 tỷ USD trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đến thứ Ba vừa qua, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc khoan thăm dò, và sẽ rút giàn khoan khỏi vùng biển trên. Dù vậy Bộ ngoại giao Trung Quốc vẫn bỏ ngỏ khả năng quay trở lại thăm dò tại đây trong tương lai.
Cả Talisman cũng như công ty Harvest Natural Resources tại Mỹ, vốn đã được cấp phép khoan thăm dò tại một khu vực các khu vực điểm nóng, đều chưa bắt đầu công việc của mình. Nhưng phát biểu hồi tháng trước, CEO của Harvest là James Edmiston đã tuyên bố tại một hội thảo của ngành dầu khí rằng đang xúc tiến rút khỏi Trung Quốc.
Dù vậy, vẫn có những công ty không hề e ngại. Năm 2009, tập đoàn Exxon đã giành được quyền thăm dò trên một diện tích hơn 52.000 km2 ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, cho dù Trung Quốc cũng tuyên bố sở hữu một vài lô.
Và “đại gia” dầu khí của Mỹ, cùng với đối tác là tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - Petro Việt Nam, đã khoan thành công hai giếng trong các năm 2011 và 2012 trên biển Đông. Tháng 3 vừa qua, Exxon khẳng định có thể khoan thêm một giếng nữa trong năm nay, khi đánh giá về một dự án khí tự nhiên trị giá nhiều tỷ USD tại Việt Nam.
Người phát ngôn của Exxon khẳng định tranh chấp chủ quyền là việc của các chính phủ và từ chối bình luận về tiến độ của các dự án.
Quy mô của thị trường năng lượng Trung Quốc và sự lớn mạnh không ngừng trên phạm vi toàn cầu của các công ty của nước này đem đến cho Bắc Kinh sức mạnh độc nhất trong việc gây áp lực lên các công ty dầu khí quốc tế. Trong khi với Việt Nam, việc bắt tay với các công ty nước ngoài là thiết yếu để tiếp cận các khu vực khó khai thác dầu và khí.
“Chúng tôi muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng: Đừng mong Trung Quốc ngừng khoan thăm dò sau khi Việt Nam lên tiếng”, Wu Shicun, chủ tịch Viện Biển Đông quốc gia của Trung Quốc tuyên bố, khi được hỏi về những căng thẳng bùng phát xoay quanh giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC.
Các lãnh đạo của Petro Việt Nam hồi tháng trước đã phản đối động thái của CNOOC, và khẳng định các công ty dầu khí quốc tế vẫn cam kết tiếp tục công việc tại đây.
Trong cuộc gặp hồi năm ngoái tại Washington, lãnh đạo Exxon và Petro Việt Nam đã cam kết thúc đẩy hợp tác. Hoạt động kinh doanh của Exxon tại Trung Quốc hiện bó hẹp hơn nhiều đối thủ khác. Các lợi ích của họ chỉ bao gồm cổ phiếu thiểu số tại một cơ sở lọc dầu ở phía Nam Trung Quốc, và một thỏa thuận thăm dò khí gas với Petro China tại Bể Ordos ở phía Bắc Trung Quốc.
Murphy Oil Corp, vốn không có hoạt động nào tại Trung Quốc, cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò trên vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Người phát ngôn của công ty có trụ sở tại Arkansas, Mỹ này còn khẳng định đang tìm kiếm thêm cơ hội tại Việt Nam.
Chevron, một công ty của Mỹ khác từng bỏ dở một dự án năm 2006 trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau khi bị Trung Quốc dọa nạt rằng, hoạt động của họ vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, nay đang theo đuổi một dự án khoan thăm dò tại Việt Nam trên một vùng biển khác. Dự án mà họ bỏ dở năm 2006 giờ đang được một công ty dầu mỏ của Ý là Eni ENI SpA ký thỏa thuận hợp tác khai thác – chia sẻ với Petro Việt Nam.
Theo WSJ