Trung Quốc đang mất vị thế “công xưởng” thế giới
(Dân trí) - Khoảng 3 năm trước, chi phí sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc thấp hơn Mêhicô 5%. Đến nay, chi phí này đã cao hơn tới 20% và Mêhicô đang trở thành trung tâm sản xuất mới hấp dẫn hơn Trung Quốc.
Thế nhưng khi một khách hàng nói đến một phụ tùng Trung Quốc giá rẻ hơn, ông Heegan sẽ nói đến những thách thức về chất lượng, vận tải và kỹ thuật tại đây. Ông cho biết việc chuyển sản xuất sang Trung Quốc tiềm ẩn một số chi phí ngầm.
Theo Công ty Alix Partners, chuyên nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực thuê gia công, lợi thế của Trung Quốc trong một số lĩnh vực sản xuất đã giảm đi nhiều. AlixPartners cho biết năm 2005, khi hàng sản xuất từ Trung Quốc cập cảng Mỹ, giá thành thấp hơn 22% so với chi phí sản xuất tại Mỹ. Vào thời điểm cuối năm 2008, khoảng cách giá cả này chỉ còn 5,5%, một mức không đủ hấp dẫn để chuyển công việc sản xuất đi nửa vòng trái đất.
Khi so sánh với Mêhicô, mức tương quan chi phí này còn gây ngạc nhiên nhiều hơn. 3 năm trước, chi phí sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc thấp hơn 5% so với Mêhicô thì đến nay, chi phí này đã cao hơn tới 20%. So sánh với Mỹ, mức tiết kiệm chi phí tại Mêhicô lên tới 25% từ mức 16%.
Yếu tố đóng góp nhiều vào việc chi phí thay đổi là biến động tiền tệ và chi phí lao động. Từ cuối năm 2005, đồng nhân dân tệ tăng giá 11% so với USD và lương lao động tăng với tốc độ từ 7% đến 8%/năm. Để giảm bớt ngành công nghiệp gây ô nhiễm, chính phủ Trung Quốc ngừng áp dụng chính sách hỗ trợ thuế cho công ty xuất khẩu hàng công nghiệp nặng.
Dù vậy, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc vẫn có lợi thế nhất định. Mức lương nhân công trung bình 1,26 USD/giờ, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc Đại Lục vẫn đứng đầu về những ngành yêu cầu nhiều sức lao động như đồ chơi hay hàng dệt may. Trung Quốc hiện cũng đang có thế mạnh trong các ngành phát triển năng lượng mặt trời và ô tô nhờ nhu cầu nội địa tăng và chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Dù có mất đi một số lợi thế giá cả, Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất thuận lợi cho các mặt hàng linh kiện và nguyên vật liệu một số ngành. Trung Quốc bỏ xa tất cả các nước trên thế giới trong sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và máy tính để bàn.
Ông Michael Andrade, giám đốc điều hành một công ty sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng của Canada, nhận xét yếu tố quan trọng khiến ngành này vẫn phát triển là toàn bộ dây chuyền cung ứng đang nằm ở châu Á, việc chuyển toàn bộ hệ thống đó sang Mỹ sẽ mất nhiều năm.
Việc đánh giá lại chi phí dường như ngăn được tâm lý đã từng kéo người Mỹ đến mở công ty, nhà xưởng tại Trung Quốc 5 đến 10 năm trước đây. Việc sản xuất các mặt hàng điện tử công nghệ cao đang được chuyển về Mỹ để phía cung cấp sản phẩm có thể tiếp cận tốt hơn với khách hàng mục tiêu.
Một nguyên nhân khác cho việc này là chi phí sửa và thay thế sản phẩm lỗi, chi phí này có thể rất cao đối với các mặt hàng điện tử phức hợp.
Việc lưu kho ở Trung Quốc cũng tạo ra một số bất lợi cho nước này. Việc chuyển hàng từ Trung Quốc sang Mỹ mất 45 ngày. Suy thoái kinh tế, việc dự báo về nhu cầu sẽ khó khăn hơn, các công ty sản xuất buộc phải trữ hàng không bán được lâu hơn, chi phí tiêu tốn cho việc trữ số hàng này không phải thấp.
Những yếu tố trên củng cố cho quan điểm của ông Heegan cho rằng nên mua linh kiện gần nơi dây chuyền sản xuất. Chi phí là yếu tố chính đằng sau quyết định của một công ty về việc mua linh kiện và sản phẩm từ nước ngoài.
Ngọc Diệp (theo Businessweek)