Trung Quốc đang khốn đốn với nợ công

Đem tiền ra đầu tư ở bên ngoài để tranh giành ảnh hưởng trong khi trong nhà đang tràn ngập bởi nợ nần, đó có vẻ như không phải là cách làm sáng suốt. Vì thế, cũng chẳng lấy gì làm lạ khi chương trình giảm nợ của Trung Quốc chẳng khác nào muối bỏ bể. Có thể nói Trung Quốc đang khốn đốn với nợ công.

Trung Quốc đang khốn đốn với nợ công
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Một nghịch lý to lớn đang được Trung Quốc thể hiện trong những động thái ở thời điểm hiện tại. Họ vừa chính thức bước vào cuộc chiến về tài chính toàn khu vực và thách thức với quyền lực cố hữu của Nhật Bản và Mỹ trong lĩnh vực này bằng cách thiết lập một ngân hàng đầu tư châu Á cho riêng mình, đồng nghĩa với một cuộc đọ sức sẽ làm hao tổn nhiều tiền bạc.
 
Nhưng đồng thời Trung Quốc cũng đang là nước có khối nợ quốc gia lớn nhất hành tinh và việc hỗ trợ giải quyết các khoản nợ này cũng đang là một gánh nặng khổng lồ. Đem tiền ra đầu tư ở bên ngoài để tranh giành ảnh hưởng trong khi trong nhà đang tràn ngập bởi nợ nần, đó có vẻ như không phải là cách làm sáng suốt. Vì thế, cũng chẳng lấy gì làm lạ khi chương trình giảm nợ của Trung Quốc chẳng khác nào muối bỏ bể.
 
Một số nhà phân tích đã chỉ ra sự nghịch lý lớn lao về tình hình tài chính ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại. Hiện Trung Quốc đang là nước có khối nợ quốc gia thuộc diện lớn nhất thế giới, bao gồm cả nợ công chính phủ và địa phương lẫn nợ doanh nghiệp, vào khoảng 282% GDP, yêu cầu trả nợ đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay nhất là những khoản nợ ngắn hạn.
 
Và trong tình thế khó khăn đó, thì Trung Quốc lại lao vào một cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng tài chính ở khu vực chắc chắn sẽ phí tổn nhiều tiền bạc với việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB. Dĩ nhiên có thể cho rằng khoản tiền 50 tỷ USD mà Bắc Kinh bỏ ra để thành lập AIIB không thấm vào đâu, nhưng ai cũng hiểu rằng một khi bước chân vào một cuộc chạy đua về tài chính như thế này thì không ai có thể nói trước họ sẽ phải chi bao nhiêu tiền.
 
Việc Trung Quốc thúc đẩy thành lập AIIB và đưa ngân hàng này vào hoạt động, vì thế đang khiến một số học giả Trung Quốc không hài lòng. Vì điều này sẽ làm giảm quy mô và kích thước của chương trình hỗ trợ các địa phương nước này giảm khoản nợ công rất lớn, vốn là điều quan trọng hơn rất nhiều với kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Các khoản nợ công địa phương ở Trung Quốc hiện nay đã lên tới khoảng 3 ngàn tỷ USD và một phần không nhỏ trong số đó sẽ đáo hạn trong năm 2015, nếu không được thanh toán sẽ đồng nghĩa với việc một cuộc khủng hoảng kinh tế ở các tỉnh có thể nổ ra.
 
Trong bối cảnh ấy, việc chi ra 50 tỷ USD cho AIIB có thể sẽ là một hành động phung phí, vì một tổ chức đầu tư tài chính khu vực như AIIB không hoàn toàn là một tổ chức kinh doanh lấy mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu, và cũng không phải là việc dễ để nói rằng cần bao lâu để ngân hàng này có thể sinh lời.
 
Chính vì vậy, việc chính phủ Trung Quốc công bố đề án về chương trình giảm nợ cho các địa phương trị giá 1000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 200 tỷ USD, vào tháng 3.2015 vừa qua đang làm nổ ra những cuộc tranh luận gay gắt ở nước này. Trước hết, con số này quá thấp so với khoản nợ địa phương gấp 15 lần của nền kinh tế thứ hai thế giới, điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ chỉ tập trung thanh toán các khoản nợ ngắn hạn nhất để tránh xảy ra nguy cơ các địa phương vỡ nợ và sụp đổ về kinh tế mà thôi. 
 
Nói cách khác, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế và không có ý nghĩa tích cực trong việc đưa ra cách giải quyết hiệu quả vấn đề nợ công địa phương ở Trung Quốc. Về cơ bản, đây chỉ đơn giản là việc Bắc Kinh bơm tiền ra chi trả nợ thay các địa phương, và chỉ trả những khoản nợ bị hối thúc gấp gáp nhất, và nếu như không có giải pháp giải quyết thì điều này sẽ lại diễn ra vào những lần tới.
 
Thậm chí, Bắc Kinh cũng đang tỏ ra chưa thực sự tự tin về chương trình giảm nợ công của mình. Bằng chứng là dù đã thông qua đề án hỗ trợ các địa phương giảm nợ, nhưng nó vẫn đang được thí điểm ở một vài địa phương trước rồi mới được xem xét có áp dụng đại trà hay không. An Huy là một trong những tỉnh đầu tiên được áp dụng thí điểm chương trình hoán đổi nợ này, khi một khoản nợ ngắn hạn trị giá 32,2 tỷ Nhân dân tệ - tương đương 5,2 tỷ USD – của tỉnh này sẽ nằm trong diện được phép cơ cấu lại theo chương trình giảm nợ của chính phủ. 
 
Một số nhà phân tích cho rằng chương trình giảm nợ này của Bắc Kinh có thể sẽ gây ra một cuộc tranh giành giữa các địa phương ở nước này, khi mà địa phương nào cũng muốn nhận được phần lớn nhất từ gói hỗ trợ của chính phủ để làm giảm khoản nợ của tỉnh mình.
 
Và điều đang làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy lo lắng nhất ở thời điểm hiện tại, là việc tìm ra giải pháp thích hợp để xử lý khoản nợ khổng lồ ở nước này mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nếu cứ mỗi năm phải chi ra 200 tỷ USD để giải quyết gánh nặng nợ công ở địa phương như thế này, Trung Quốc có thể sẽ phải mất 15 năm mới có thể thanh toán hết khoản nợ trị giá 3000 tỷ USD này.
 
Và nhất là việc phải chi ra 200 tỷ USD mỗi năm, vốn là một khoản tiền không nhỏ, sẽ ảnh hưởng xấu đến các kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế của chính phủ nước này. Không nghi ngờ gì việc phải chi ra cả trăm tỷ USD mỗi năm để giảm nợ, cùng với thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, sẽ là một bất lợi không nhỏ đối với tham vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh trong tương lai. Thậm chí nó còn đang đe dọa kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn dự đoán.

Có lẽ đây cũng là một kết cục hợp lý, khi mà trong hơn ba mươi năm qua Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế với tốc độ chóng mặt dựa trên việc vay mượn các khoản tài chính để hỗ trợ phát triển, kể cả là các khoản vay ngầm và mờ ám. Thì giờ đây việc Trung Quốc đang khốn đốn với nợ công - hậu quả từ chính sách tăng trưởng bất cẩn này là điều tất yếu. Đơn giản là, có vay thì có trả. 

Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Reuters
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”