Trung Quốc bất ngờ tụt hạng trong báo cáo tham nhũng

(Dân trí) - Dù Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, nước này vẫn tụt hạng mạnh trong một báo cáo tham nhũng mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hôm nay (3/12).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* World Bank "bắt mạch" tình trạng ốm yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam

* Bầu Kiên “cám ơn Hội đồng xét xử đã hỏi rất sâu”

* “Nới” tỷ lệ vốn lên 60%, lãi suất sẽ giảm tiếp?

* Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” vào năm 2040

* Nga: Trừng phạt của Phương Tây đe dọa an ninh kinh tế quốc tế   

Bản báo cáo thường niên mang tên “Corruption Perception Index” của TI cho thấy, Trung Quốc là một trong những nước có mức độ tham nhũng tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2014. Nước này tụt hạng xuống vị trí thứ 100 trong tổng số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng từ vị trí thứ 80 trong xếp hạng năm 2013.

Trong xếp hạng này, những nước có thứ hạng càng cao thì mức độ minh bạch càng lớn, tham nhũng càng thấp, và ngược lại.

“Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận sự cần thiết phải tìm ra những quan chức giấu tài sản tham nhũng ở nước ngoài”, hãng tin CNBC dẫn báo cáo của TI. “Tháng Giêng năm nay, tài liệu rò rỉ đã tiết lộ 22.000 khách hàng gửi tài sản ở nước ngoài đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, trong đó có nhiều quan chức cao cấp”, báo cáo cho biết.

TI xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ theo thứ hạng về mức độ “minh bạch” hoặc “tham nhũng” so với các quôc gia khác. Các yếu tố để xác định mức độ tham nhũng bao gồm tình trạng hối lộ, sự thiếu vắng hình phạt cho tội tham nhũng, phản ứng chậm và không đầy đủ của các cơ quan công quyền, và chính phủ thiếu minh bạch.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất trong xếp hạng năm nay có mức độ tham nhũng bị TI đánh giá là tăng mạnh hơn Trung Quốc. Các nước Angola, Malawi và Rwanda cùng có độ tham nhũng gia tăng như Trung Quốc.

Đan Mạch là quốc gia được đánh giá là ít tham nhũng nhất trong báo cáo của TI năm nay, tiếp đó là New Zealand, Phần Lan, Nauy và Thụy Điển. Afghanistan và Jordan là hai trong số những quốc gia có mức độ tham nhũng giảm nhiều nhất.

Việt Nam được 31 điểm, xếp thứ 119 trong tổng số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. So với năm 2013 và 2012, điểm số của Việt Nam trong xếp hạng Corruption Perceptions Index năm nay không có sự thay đổi.

Hai quốc gia láng giềng trong khu vực của Việt Nam là Lào và Thái Lan nhận tương ứng 25 và 38 điểm, xếp thứ 145 và 85.

Ở đầu kia của xếp hạng, hai quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất thế giới, theo TI, là Triều Tiên và Somalia. Mức độ tham nhũng ở Nga được đánh giá là tăng nhẹ, nhưng nước này vẫn giữ nguyên vị trí 136.

“Các nước ở cuối bảng xếp hạng nên áp dụng các biện pháp chống tham nhũng triệt để vì lợi ích của người dân. Các nước ở đầu bảng cần đảm bảo là sẽ không xuất khẩu tham nhũng”, ông Jose Ugaz, Chủ tịch TI, khuyến nghị trong báo cáo. “Tham nhũng ở các nền kinh tế lớn không chỉ cản trở những quyền cơ bản của tầng lớp nghèo nhất mà còn gây ra những vấn đề về quản trị và bất ổn định”.

Phương Anh
Theo CNBC

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”