Trump ra đòn thuế quan với Trung Quốc nhưng lại “gậy ông đập lưng ông”?

(Dân trí) - Không chỉ gây mất việc làm mà còn đẩy giá cả lên cao, hàng rào thuế quan của Tổng thống Trump là đòn thương mại “lợi bất cập hại”, các chuyên gia kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định.

Trump ra đòn thuế quan với Trung Quốc nhưng lại “gậy ông đập lưng ông”? - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ngày càng đến gần, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ cố ghi điểm bằng những thành tích của mình về lĩnh vực kinh tế mà ông đã làm được trong 4 năm vừa qua, đặc biệt là về vấn đề áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định những con số này là chưa hề chính xác và có khả năng là đòn “gập lưng đập lưng ông” đối với ông Trump và cả nước Mỹ.

Lời hứa hẹn của ông Trump

Khi còn là ứng viên tranh cử, ông Donald Trump đã đưa ra rất nhiều lời hứa hẹn trước các cử tri về những việc ông sẽ làm nếu đắc cử tổng thống.

Và cho đến năm 2016, sau khi đắc cử, ông Trump đã bước vào Nhà Trắng với lời hứa sẽ khôi phục khả năng cạnh tranh của Mỹ, hồi sinh lĩnh vực sản xuất và giảm thâm hụt thương mại. Nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, cuộc chiến thương mại của Trump vẫn chưa gặt hái thành công.

Không những vậy, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần gọi Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ” và cáo buộc Bắc Kinh “cưỡng bức” Mỹ. Ông Trump cho rằng Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ để giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn so với hàng Mỹ. Nhưng đến tháng 4 năm nay, Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc không hoàn toàn là quốc gia thao túng tiền tệ, thậm chí còn nói Bắc Kinh cũng tìm cách ngăn không cho đồng tiền của nước này bị yếu đi.

Ra đòn với Trung Quốc nhưng Mỹ “chịu trận”

Trump ra đòn thuế quan với Trung Quốc nhưng lại “gậy ông đập lưng ông”? - 2
Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung bắt đầu kể từ năm 2018. Ảnh: Getty

Vào đầu năm nay, hãng tin RT dẫn một nghiên cứu từ FED cho biết, những đòn thuế quan trừng phạt vốn được Washington thực thi nhằm thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc thu hẹp cán cân thương mại với Trung Quốc rốt cuộc lại đang khiến người dân Mỹ mất việc làm và đẩy giá hàng hoá lên cao.

Với nghiên cứu trên, FED đã trở thành cơ quan mới nhất nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực gây ra bởi hàng rào thuế quan trừng phạt do Tổng thống Trump áp trên Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, trong đó có Canada, Mexico và liên minh châu Âu (EU), kể từ đầu năm 2018.

Trong bản nghiên cứu, hai chuyên gia kinh tế của FED là Aaron Flaaen và Justin Pierce cho rằng, hàng rào thuế quan mang đến nhiều tác động tiêu cực hơn lợi ích, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo đó, các ngành sử dụng nhôm và thép phải đối mặt với sự tăng giá lớn nhất, vì mức thuế mới chiếm tới 17,6% chi phí đối với các nhà sản xuất tấm nhôm và 8,4% chi phí đối với các sản phẩm thép được sản xuất từ ​​thép nhập khẩu.

Các chuyên gia kinh tế của FED đồng ý rằng, một số nhà sản xuất Mỹ có thể hưởng lợi từ việc giảm thiểu cạnh tranh tại thị trường nội địa, nhưng những đòn thuế quan “ăn miếng trả miếng” lại khiến sức cạnh tranh của họ ở thị trường nước ngoài giảm xuống.

Và, dù một số ngành công nghiệp có thể cố gắng để phần nào hưởng lợi từ sự bảo vệ của hàng rào thuế quan, song điều này cũng “chẳng thấm vào đâu” so với sự gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như tác động từ các đòn thuế quan trả đũa.

Theo nghiên cứu, những đòn thuế quan trả đũa và mức giá bị đội lên cao đã làm ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp, trong đó có các nhà sản xuất phương tiện từ tính và quang học; đồ da; tấm nhôm; sắt và thép; xe cơ giới; thiết bị gia dụng; thiết bị âm thanh, video và máy tính.

Trump ra đòn thuế quan với Trung Quốc nhưng lại “gậy ông đập lưng ông”? - 3
Cuộc chiến thương mại đã không thực hiện được các mục tiêu lớn đề ra như cắt giảm thâm hụt thương mại, tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ so với Trung Quốc hoặc khôi phục ngành sản xuất của Mỹ. Ảnh: Getty

Chính sách thuế quan khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn, thúc đẩy người tiêu dùng trong nước chuyển hướng sang hàng hóa sản xuất trong nước. Các mặt hàng xuất khẩu không bị đánh thuế theo biểu thuế, vì vậy chúng sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu theo lập luận trên thì thuế quan sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại và các nhà sản xuất trong nước sẽ được lợi khi người tiêu dùng chuyển hướng sang hàng nội địa.

Về mặt lý thuyết, tỷ giá hối đoái có thể điều chỉnh để loại bỏ hầu hết ảnh hưởng của thuế quan. Nhưng điều này dường như không xảy ra trong trường hợp của Mỹ khi cả sức mạnh tổng thể của USD và Nhân dân tệ của Trung Quốc thay đổi rất ít sau khi cuộc chiến thương mại của Trump bắt đầu.

Vì vậy, về mặt kỹ thuật, có thể chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã hoạt động như dự định nhưng mức độ ảnh hưởng chưa lớn hoặc bị các yếu tố khác lớn hơn nhiều, tác động vào nền kinh tế. Dường như chúng ta chỉ thấy cán cân thương mại và hoạt động sản xuất chỉ bị tác động nhẹ.

Ở một khía cạnh khác, chính sách thuế quan lại làm tổn hại chính các công ty của Mỹ. Lý do là thương mại không phải là trao đổi hai chiều đơn giản như nhiều người nghĩ, rằng các quốc gia sản xuất sản phẩm trong nước và sau đó cố gắng bán chúng. Thực tế, thương mại liên quan đến nhiều quốc gia trong một mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn toàn cầu.

Thuế quan không chỉ làm cho hàng tiêu dùng nhập khẩu đắt hơn; chúng cũng làm cho nguyên liệu đầu vào đắt đỏ thêm. Có một thực tế là các công ty Mỹ sử dụng rất nhiều hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, từ nguyên liệu thô cho đến các phụ kiện.

Đánh thuế nguyên liệu đầu vào đồng nghĩa với việc làm cho chí phí sản xuất ở Mỹ cao hơn. Đây là điều tối kỵ trong kinh tế học về thuế - đánh thuế sản phẩm cuối cùng luôn tốt hơn là đánh thuế các nguyên liệu đầu vào được sử dụng để tạo ra hàng hóa đó. Nhưng chính sách thuế quan của Trump đã bỏ qua nguyên tắc này và đánh thuế mọi thứ.

Các nhà kinh tế Kyle Handley, Fariha Kamal và Ryan Monarch gần đây đã cố gắng ước tính mức độ ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung đã gây tổn hại đến các nhà xuất khẩu của Mỹ như thế nào. Sử dụng dữ liệu chi tiết từ chính các công ty, các nhà kinh tế đã phân tích xuất khẩu của Mỹ có xu hướng giảm nhiều hơn (hoặc tăng trưởng chậm hơn) sau khi thuế quan có hiệu lực.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các sản phẩm mà chuỗi cung ứng của họ bị đánh thuế nặng hơn sẽ bị ảnh hưởng xấu hơn đáng kể.

Có lẽ Tổng thống Trump khó có thể nhận ra hoặc thừa nhận rằng, vũ khí kinh tế yêu thích của ông đang sử dụng đã làm tổn thương chính các công ty mà ông mong muốn hỗ trợ. Vì vậy, giả sử ứng cử viên Biden giành chiến thắng, cần chú ý đến các bài học kinh tế học và xem xét chính sách thương mại cẩn trọng hơn.

Tập trung vào thúc đẩy xuất khẩu hơn là việc bảo vệ thị trường nội địa là cách tiếp cận tốt hơn nhiều. Việc trợ giúp các công ty Mỹ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài sẽ giải quyết thâm hụt thương mại mà không làm tổn hại đến chuỗi cung ứng của họ.

Bằng các chính sách tăng năng suất, hỗ trợ tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế thay vì che chở họ trong một thị trường nội địa không cạnh tranh và đầy khó khăn có lẽ là cách tiếp cận khôn ngoan hơn.

Có thể nói, thuế quan và các chính sách bảo hộ khác không còn phù hợp với nền kinh tế phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng phức tạp. Cần quên đi ý tưởng rằng, các công ty Mỹ được hỗ trợ tốt nhất bằng cách ngăn cản họ tiếp cận với thế giới bên ngoài.