Trong tay 3.600 tỷ đồng tiền mặt, "trùm xây dựng" có hồi sinh sau biến cố?

Mai Chi

(Dân trí) - Sự ra đi của "ông trùm" Nguyễn Bá Dương đã tạo ra biến động lớn, tuy nhiên, với báo cáo tài chính lành mạnh, Coteccons vẫn là công ty có khả năng phục hồi tốt nhất trong ngành.

Trong tay 3.600 tỷ đồng tiền mặt, trùm xây dựng có hồi sinh sau biến cố? - 1

Coteccons có lượng tiền mặt lớn 3.600 tỷ đồng

Cổ phiếu Coteccons "hồi sinh"?

CTD sáng nay gây chú ý khi bật tăng mạnh 4,2% lên 65.200 đồng. Có vẻ như sóng gió đang dần qua tại Conteccons sau khi loạt nhân sự cũ gắn bó với "ông trùm" Nguyễn Bá Dương chọn ra đi. Trong vòng 1 tháng qua, CTD đã hồi phục được 15,49% giá trị.

Với biến động về nhân sự và bất lợi của thị trường, trong quý 3, Coteccons bị sụt giảm tới 55% doanh thu so với cùng kỳ, đạt 2.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 46% lùi về mức 89 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 10.300 tỷ đồng, giảm 36% so cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 307 tỷ đồng, giảm 22%.

Hồi tháng 10, ông Trần Bá Dương đã từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Coteccons và người thay thế là ông Bolat Duisenov - CEO của Kusto Việt Nam, cổ đông lớn nhất của Coteccons.

Việc ra đi của ông Dương kéo theo sự ra đi của các nhân sự cấp cao khác. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Thành viên HĐQT từ nhiệm và ông Từ Đại Phúc - Phó Tổng Giám đốc cũng từ chức sau đó.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán PHS, việc bổ nhiệm vào các vị trí mới cũng được thực hiện ngay lập tức sau thông tin từ nhiệm. Điều này cho thấy việc chuyển giao quyền lực đã có sự chuẩn bị trước và diễn ra khá suôn sẻ.

Theo ghi nhận của PHS, Coteccons vẫn duy trì lượng tiền mặt cao với 3.600 tỷ đồng (tương đương 25% tổng tài sản) để tạo sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc thu hồi các khoản phải thu vẫn chưa được cải thiện và vòng xoay tiền mặt vẫn ở mức cao là 187 ngày.

Nếu vòng xoay tiền mặt tiếp tục ở mức cao như vậy, PHS có sự quan ngại về thanh khoản của công ty có thể sẽ giảm trong tương lai. Việc dùng lượng tiền lớn của công ty để đầu tư hay duy trì tính thanh khoản của công ty đã từng là vấn đề gây tranh cãi giữa ông Dương (cựu Chủ tịch Coteccons) và Kusto (cổ đông lớn nhất). Hiện tại, lượng tiền mặt có thể sẽ được sử dụng cho hoạt động kinh doanh chính của công ty là hoạt động xây dựng.

Nhìn chung, PHS cho rằng, báo cáo tài chính lành mạnh giúp Coteccons thành công ty có khả năng phục hồi tốt nhất trong ngành. Nguồn tiền dồi dào, quản trị thanh khoản tốt và chọn lựa nhà phát triển bất động sản khắt khe sẽ tạo độ linh hoạt cho công ty để có thể hoạt động trong giai đoạn khó khăn này.

Ngoài ra, nhóm phân tích thể hiện quan điểm thận trọng về việc ông Dương rời công ty. Giá trị hợp đồng ký mới trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, khả năng của ban lãnh đạo mới trong tương lai sẽ quyết định về cái nhìn của nhà đầu tư với doanh nghiệp có trở nên lạc quan hơn hay không.

Ảnh hưởng mờ nhạt của cổ phiếu bluechips

Mốc 1030 vẫn tiếp tục là ngưỡng cản mạnh đối với VN-Index. Chỉ số VN-Index loanh ngoanh ngưỡng này và hiện đang ghi nhận sụt giảm 2,4% tương ứng 0,23% còn 1027,58 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại tăng nhẹ 0,4 điểm tương ứng 0,26% lên 154,6 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04 điểm tương ứng 0,06% còn 68,66 điểm.

Thanh khoản trên thị trường vẫn ổn định với dòng tiền tiếp tục duy trì mức cao. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 310,16 triệu cổ phiếu tương ứng 5.832,09 tỷ đồng; HNX có 46,55 triệu cổ phiếu tương ứng 639,62 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 23,54 triệu cổ phiếu tương ứng 288,64 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá. Thống kê cho thấy đang có 428 mã giảm, 29 mã giảm sàn so với 330 mã tăng, 29 mã tăng trần trên toàn thị trường.

Trong phiên sáng nay, VN30-Index giảm nhẹ 0,08% tương ứng 0,82 điểm trong bối cảnh hơn phân nửa số lượng mã của rổ Vn30 giảm. Cụ thể, có tới 19 mã trong rổ này mất giá.

TCH giảm 1,5% còn 19.450 đồng; VCI giảm 0,9% còn 104.900 đồng; VNM giảm 0,6% còn 109.300 đồng; MSN giảm 0,6% còn 85.500 đồng; BID cũng giảm 0,6% còn 42.750 đồng; GAS giảm 0,5%; VRE giảm 0,4%; VCB giảm 0,3%; VHM giảm 0,1%.

Điểm tích cực là áp lực bán đối với bluechip vẫn chưa quá mạnh, theo đó, mức giảm của chỉ số không lớn.

Hơn nữa, chỉ số còn được hỗ trợ bởi đà tăng tích cực tại một số cổ phiếu như SSI tăng 3,2% lên 21.200 đồng; MBB tăng 1,2% lên 21.150 đồng; HDB tăng 1,1% lên 22.100 đồng; STB, HPG, VPB, MWG, PNJ cũng đang tăng giá.

Cổ phiếu penny tiếp tục được giới đầu tư ưa thích. QCG có lúc được giao dịch tại mức giá trần và hiện tại tăng 2,2% lên 6.820 đồng; FLC tăng 2,1% lên 4.340 đồng; ITA tăng 1,5% lên 5.540 đồng.

Các chuyên gia BVCS cho biết, VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự mạnh 1.030-1.040 điểm. Đây là vùng cản được BVSC đánh giá có thể sẽ khiến chỉ số sớm gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh. Ngược lại, vùng 985-990 điểm hiện tại sẽ trở thành vùng hỗ trợ có tính quyết định đến việc duy trì xu thế tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận.