Làm giàu không khó:
Trồng chuối: Nơi chặt bỏ vì ế, nơi thu tiền tỷ
Trong khi một số nơi ở Vĩnh Phúc, người dân đang phải chặt bỏ chuối vì ế, thì ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Địa Mối, xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) vẫn thu tiền tỷ từ cây chuối tây lai (giống của Thái Lan) với mô hình trồng xen chuối với cây đặc sản khác.
Ông Nguyễn Văn Thu (sinh năm 1958), sau khi xuất ngũ, ông cũng như bao người khác trở về với ruộng đồng. Ngoài làm ruộng, ông Thu còn chạy chợ ngược xuôi, buôn bán đủ các nghề để nuôi 5 đứa con ăn học. Khi tích luỹ được một số vốn kha khá, ông quyết định mua thêm đất để chuyển hướng sang làm kinh tế trang trại.
Trẻ trồng na, già trồng chuối
“Lúc đầu, tôi trồng rất nhiều vải thiều và chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, lợn thì năm nào được giá còn có lãi, có năm thì chỉ lấy công làm lãi, thậm chí còn bị âm cả vào vốn; còn vải thiều cũng trong tình trạng bấp bênh tương tự, cứ được mùa giá lại thấp, năm mất mùa thì giá lại cao nên lợi nhuận cũng chẳng được nhiều” - ông Thu nói.
Mất tới 5 năm trồng vải để cho thu hoạch, nhưng sau những chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương, ông Thu trở về đã đưa ra một quyết định đầy táo bạo: Chặt hết cả vườn vải 3ha lâu nay dày công trồng trọt và đang cho thu quả.
“Nhiều người khi đó còn tới khuyên bảo tôi là không nên lãng phí như thế, bởi để có được vườn vải phải mất 5 năm trời, dù giá có lúc thấp, lúc cao nhưng mỗi năm trừ chi phí cũng thu về hàng trăm triệu đồng... Nhưng tôi vẫn quyết định chặt hết và có người còn cho tôi là điên khùng”- ông Thu nói.
Sau khi chặt hết vải, ông chuyển sang trồng na, thời điểm đó, na trồng sau 3 năm đã cho thu quả, vừa được mùa lại được giá, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Mỗi năm, trừ hết chi phí, vườn na cũng đem lại cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng, gấp đôi so với thu nhập từ vườn vải trước đó.
Những tưởng có được một vườn na với 3ha, cho thu nhập ổn định, ông Thu sẽ “yên phận” với loại cây trồng này cho tới khi về già. Tuy nhiên, chỉ sau một lần đi tham quan ở Thái Lan, thấy có những mô hình trồng chuối rất thành công, ông Thu quyết định mua giống về trồng thử.
“Tôi trồng cây chuối tây lai Thái Lan này thấy rất hợp với đất và khí hậu, lại dễ chăm sóc, buồng to, quả đều, có buồng còn cho 15 - 16 nải. Nếu bán theo kg để xuất sang Trung Quốc cũng được 25.000 đồng/kg, tương đương hơn 1 triệu đồng/cây chuối. Trong khi, trồng na cũng có thu nhập cao, ổn định thật nhưng rất vất vả, tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm phải mất khoảng 300 triệu đồng thuê công nhân, chuối thì trồng lại nhàn hơn nên tôi quyết định chuyển đổi một lần nữa” - ông Thu nói.
Thế là cả một vườn na bao công chăm bón đang cho thu hoạch, ông Thu lại đưa máy móc và thuê nhân công chặt bỏ hết. Một lần nữa, ông lại bị người dân địa phương cho là khùng điên. Ông chỉ cười và nói với mọi người: “Tôi làm đúng lời khuyên của các cụ để lại “trẻ trồng na, già trồng chuối”. Tôi già rồi giờ chỉ trồng chuối cho nhanh được ăn. Bây giờ nhà tôi con cái lớn hết, đi làm ăn xa, không còn ai giúp đỡ, thiếu lao động nên chuyển sang trồng chuối cho ít tốn công” - ông Thu cho biết.
Nếu một lần có dịp tới thăm vườn chuối của ông Thu với cây nào cây ấy đều nhau tăm tắp, tất cả đều đang ra hoa hoặc có buồng, chuẩn bị cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán như ông đã dự tính, thì chắc chắn chẳng ai còn nhớ tới hay tiếc nuối vườn na trước đó của ông. Những người đã từng cho rằng ông Thu là khùng, điên khi chặt bỏ na đi cũng phải trầm trồ khen ngợi, thậm chí có rất nhiều người đã tới gia đình ông mua giống chuối này về và học hỏi kinh nghiệm từ ông để trồng theo.
Không ngừng thay đổi giống cây trồng
Hiện nay, nghề trồng trọt đem lại cho ông Thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Từ trồng trọt và nhất là từ cây chuối, ông Thu đã xây được ngôi biệt thự khang trang, sắm sửa đầy đủ các phương tiện sinh hoạt đắt tiền và cả xe hơi trị giá vài trăm triệu đồng.
Đi thăm vườn chuối của ông, được nghe ông chia sẻ về những kinh nghiệm trồng trọt như kỹ sư nông nghiệp, chúng tôi mới hiểu vì sao một người nông dân không hề qua trường lớp gì mà lại thành công trong nông nghiệp như ông.
Ông kể, hành trình đến với nghề trồng chuối của ông cũng đầy công phu. “Lúc đầu, khi biết giống chuối này ở Thái Lan rất tuyệt vời, tôi đem giống về trồng thử nhưng bị chết rất nhiều hoặc năng suất rất kém. Thế là tôi bỏ lại hết việc nhà, “khăn gói quả mướp” vượt hàng nghìn km vào đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là thủ phủ của chuối tây để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng chuối của họ. Tôi còn nhớ, đã bỏ cả tháng trời để đi 13 tỉnh miền Tây xem họ làm gì có lợi nhuận cao nhất. Sau đó, tôi tiếp tục đi các tỉnh miền Trung để tham quan, học hỏi những mô hình thanh long, trồng bưởi, trồng mít…”- ông Thu nói.
Nói về kinh nghiệm trồng chuối tây, ông cho biết, ở miền Nam người ta trồng khoảng 12 tháng nhưng do ông chăm tốt nên chỉ 7-9 tháng chuối đã trổ. Chuối tây là giống ưa nhiệt nên cần phải trồng sớm, từ tháng 1-5 là phải xuống giống, nhưng càng sớm thì năng suất càng cao, nếu để tới cuối tháng 5 mới trồng thì năng suất sẽ kém đi. Loại chuối tây cũng rất “phàm ăn”, do đó tốt nhất là phải có phân chuồng bón lót trước khi trồng và sau khi chuối lên xanh tốt có thể bón thêm lân, đạm, nhưng đặc biệt giống chuối cao này phải có kali để giúp cho cây cứng cáp, ít sâu bệnh và khi ra buồng sẽ bóng đẹp.
Trong khi ông Thu đang trò chuyện với chúng tôi, một số bà con tìm đến hỏi: “Vườn chuối nhà tôi chẳng hiểu sao lại xuất hiện vàng lá, ông có cách chữa không?”. Ông Thu nói ngay ra được, đó là bệnh sâu tàu lá dẫn tới vàng lá, chỉ cần thấy xuất hiện là phun ngay thuốc sẽ chữa khỏi. Rồi ông Thu lấy ra một tờ giấy viết cẩn thận loại thuốc trừ sâu và hướng dẫn cách phun cho bà con, chẳng khác gì một “bác sĩ” cây trồng ở địa phương. “Trồng cây gì cũng phải có bí quyết, từ chọn giống cho đến thời vụ và chăm sóc, nhưng để có được bí quyết thì phải chịu khó tìm tòi” - ông Thu chia sẻ.
Tuy cây chuối đem lại tiền tỷ cho mình, nhưng với kinh nghiệm khi đã trải qua nhiều rủi ro với các loại cây trồng, ông Thu không ngại nếu phải bỏ lại cây chuối. “Cùng với hơn 3.000 gốc chuối tây Thái Lan, tôi trồng xen kẽ dưới tán chuối 4.000 gốc thanh long, 2.000 gốc cam, quýt và 2.000 gốc bưởi da xanh, 500 gốc mít siêu quả… trong đó thanh long đã đem lại thu nhập 200 triệu đồng, còn các cây trồng khác cũng sẽ cho thu hoạch trong năm 2016. Ông Thu cũng cho biết, năm 2015 đã mở rộng thêm 3ha để trồng chuối và xen canh thêm các cây trồng khác.
“Tôi có thể lại bỏ chuối để theo đuổi tiếp cho những loại cây đặc sản mới này. Việc không ngừng thay đổi cây trồng và đa dạng hoá sản phẩm sẽ là cách luôn giữ được giá bán tốt, cho thu nhập cao” - ông Thu nói.
Theo Thanh Xuân
Dân Việt