Trớ trêu chuyện "bùng cỗ": Khổ chủ lao đao, mất hết cả tình lẫn tiền

Hoàng Dung

(Dân trí) - Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn từng rơi vào cảnh trớ trêu, khốn khổ khi khách gọi bàn, đặt mâm tự dưng "biến mất" hay "bùng cỗ" vào những giây phút cuối cùng.

Mới đây, tại Điện Biên, một nhà hàng bị khách "bùng" 150 mâm cỗ khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bức xúc. Tổng số tiền 150 mâm cỗ trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng, phía nhà hàng đã nhận đặt cọc trước 30 triệu đồng. Sau sự việc, chủ nhà hàng đã lên cơ quan công an trình báo và tự khắc phục thiệt hại bước đầu bằng cách thanh lý lại đồ ăn.

Đối với người làm trong ngành dịch vụ ăn uống, đây chính là những góc khuất cay đắng sau nghề mà ai cũng từng một lần nếm trải. Bởi có nhiều trường hợp, vào những giây phút cuối cùng, khách gọi bàn, đặt mâm bỗng tự dưng "biến mất", khiến cỗ tiệc trở thành cỗ "bùng".

Trớ trêu chuyện bùng cỗ: Khổ chủ lao đao, mất hết cả tình lẫn tiền - 1

Một nhà hàng bị "bom" 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên (ảnh: Kim Anh)

Đơn cử như anh T, chủ một nhà hàng ở Chương Mỹ (Hà Nội) từng khốn khổ khi khách đặt 20 mâm cỗ tiệc bỗng tự nhiên báo hủy vào phút chót, trong khi mọi thứ đã chuẩn bị xong. 

Anh T tâm sự, do là khách quen nên anh không yêu cầu phía khách đặt cọc mà chủ yếu dựa trên sự tin tường. Nhưng thật không ngờ, vào phút cuối, khách lại nói có việc đột xuất nên không đến tham gia. 

"Lúc đó, tôi thực sự bối rối vì không biết xử lý ra sao, bởi họ cũng là khách quen. Tôi nghĩ chắc họ cũng có việc bận, chứ không phải cố tình nhưng giờ cỗ đã bày ra rồi, không phải 1 mâm mà là 20 mâm, mỗi mâm trị giá 1,2 triệu đồng" - anh kể lại.

Trớ trêu chuyện bùng cỗ: Khổ chủ lao đao, mất hết cả tình lẫn tiền - 2

Nhiều nhà hàng quán ăn từng rơi vào cảnh khốn khổ khi bị khách "bom hàng" (ảnh chụp màn hình)

Anh T cho biết, nhà hàng anh từng đề nghị với khách là chịu một phần chi phí vì bỗng nhiên hủy ngang. Nhưng phía khách lại không muốn mất tiền nên toàn bộ 20 mâm cỗ nhà hàng đều phải "gánh" hết. 

"Do cả nể nên khi ấy tôi chẳng làm hợp đồng, còn giao dịch đặt cỗ thì cũng toàn bằng miệng. Ngày giờ hay số mâm khách đặt, tôi chỉ ghi lại vào quyển sổ đặt trong nhà hàng để báo lại cho nhân viên" - anh tâm sự.

Theo anh T, cay đắng hơn sau sự việc 20 mâm cỗ là nhà hàng không những mất tiền mà mất luôn cả khách. Là bởi trong ngành dịch vụ, dù khách có sai thì sau khi xảy ra tranh chấp, phía "thượng đế" sẽ luôn một đi không trở lại.

"Làm trong ngành dịch vụ, đặc biệt là với nhà hàng, quán ăn chúng tôi cũng hạn chế để xảy ra kiện cáo. Nên sau vụ việc bị bùng 20 mâm cỗ, nhà hàng cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, tìm cách giải quyết tốt nhất" - anh bày tỏ.

Trong đó, toàn bộ số thức ăn chín của 20 mâm cỗ bị bùng đều được anh T mời nhân viên, khách đến ăn miễn phí trong ngày hôm đó. Còn những đồ khô, đồ hộp chưa mở vẫn còn hạn sử dụng thì nhà hàng giữ lại để dùng.

Trớ trêu chuyện bùng cỗ: Khổ chủ lao đao, mất hết cả tình lẫn tiền - 3

Nhiều nhà hàng đành phải ngậm đắng nuốt cay thanh lý cỗ sau khi bị "bùng" (ảnh chụp màn hình)

Cùng chung cảnh ngộ, chị M.H, chủ một quán ăn ở Bắc Ninh từng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi khách đặt 50 đĩa xôi vò bỗng đột nhiên "mất tích".

Chị H cho biết, hôm đó khách đến nhà chị đặt xôi về làm tiệc. Do là khách ở chỗ người quen giới thiệu nên chị chủ quan không thu tiền trước. Vì theo chị, từ trước đến nay, quán chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy.

"Đến ngày giao đồ, khách hẹn tôi 6 giờ sáng lấy nhưng qua 11 giờ trưa vẫn không thấy khách đâu, gọi điện thì không được. Lúc đấy, tôi đã xác định là thôi, xôi này mang biếu cả dãy phố, coi như làm quà của cửa hàng" - chị nói.

Chị H kể tiếp, sau đó 3 hôm, khách có điện cho chị xin lỗi do "quên" không báo trước vì nhà có việc bận, nên đã chuyển tiệc sang hôm khác. Qua nhiều lần thương thảo, khách chỉ đồng ý bồi thường cho chị chỗ tiền nguyên vật liệu, còn tiền công thì xin không trả vì lý do "nhà đang khó khăn".

Từng là quản lý của một chuỗi nhà hàng nướng, anh Quang Minh (Hà Nội) chia sẻ, để tránh tình trạng khách "bùng" hàng, chuỗi luôn có quy định khách phải đặt cọc trước 20% tổng giá trị hóa đơn. Nếu không thực hiện, nhà hàng sẽ từ chối phục vụ vì đây là cách duy nhất để bảo vệ quyền lợi của đôi bên.

"Khi có sự ràng buộc, đặc biệt liên quan về kinh tế thì rất hiếm khi xảy ra tình trạng bom hàng. Bởi sẽ không có một ai tự dưng đặt chơi, để ném tiền qua cửa sổ cả" - anh nhận định.

Thế nên, trong suốt nhiều năm làm quản lý, anh Minh hầu như không gặp phải tình trạng bom cỗ, bom hàng. Theo anh, nếu có thì đa phần là trường hợp hiếm, khách hàng có việc cực kỳ quan trọng, không thể đến được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm