Trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu GP.Bank
Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về phương án cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank).
Một báo cáo ngày 15/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang tiếp tục triển khai quá trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại sau khi đã đạt được những kết quả ban đầu.
GP.Bank tiền thân là Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình, đã chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị cuối năm 2005.
Trong số 9 ngân hàng yếu kém đã xác định phải cơ cấu lại, đến nay đã có 3 trường hợp là Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Đệ Nhất và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa thực hiện hợp nhất xong và tiếp tục được cơ cấu lại dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Tiên Phong cũng đã được phê duyệt và thực hiện phương án cơ cấu lại theo hướng tự củng cố, chấn chỉnh; Ngân hàng Nhà Hà Nội đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội.
Đáng chú ý là báo cáo trên cho biết phương án cơ cấu lại Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank) đang được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Ba ngân hàng yếu kém còn lại đang được Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét phương án cơ cấu lại để tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ.
GP.Bank tiền thân là Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình, đã chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị hoạt động tại Hà Nội từ ngày 7/11/2005 với tên gọi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Toàn Cầu (G-Bank). Năm 2006 G-Bank ra mắt và công bố cổ đông chiến lược là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Năm 2007 tiếp tục đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank). Theo báo cáo thường niên năm 2010 (năm cập nhật gần nhất), cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT với tỷ lệ sở hữu 5,84% (17,62 triệu cổ phần).
Theo Minh Đức
VnEconomy