Lâm Đồng:

“Triệu phú” bò sữa xứ rau lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

(Dân trí) - Hành trang khởi nghiệp của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Sơn (Lâm Đồng) là ý chí và nghị lực làm giàu là hai bàn tay trắng. Ấy vậy, mà giờ đây, anh đang sở hữu đàn bò sữa với số lượng hơn 30 con cho thu nhập tiền tỷ.

Sau vài ba lần hẹn, chúng tôi mới có dịp ghé trang trại bò sữa của ông chủ trẻ tại thôn 2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương). Nhìn đàn bò sữa hơn 30 con béo tròn, ít ai biết được đây là thành quả lao động miệt mài với hai bàn tay trắng, mà chủ nhân của trang trại này đã gây dựng suốt nhiều năm liền.

Anh Sơn kể, sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo ở Hà Tĩnh, do cuộc sống khó khăn, năm lên 10 tuổi, anh đã phải theo gia đình vào lập nghiệp ở xứ rau huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Sau khi học xong THPT, anh không chọn con đường bước vào giảng đường như bạn bè cùng trang lứa mà đã quyết định gắn bó với ruộng vườn để phụ giúp gia đình.

Ban đầu, do gia đình ít đất canh tác nên nhiều lúc anh còn phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Quanh năm lam lũ vất vả làm hết công việc này đến việc khác nhưng cuộc sống cũng không mấy khấm khá lên, sau nhiều đêm trăn trở, anh Sơn nghĩ phải tìm hướng đi mới, tự mình làm chủ mới mong thoát nghèo.

Nghĩ là làm, sau khi tích góp được ít vốn liếng cùng với sự giúp đỡ của gia đình, anh đã bỏ tiền đầu tư chăn nuôi heo. Lúc đầu, do ít vốn, anh chăn nuôi heo giống để nhân đàn. Nhờ chịu thương chịu khó, học hỏi tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc gia súc tốt, sau một thời gian đàn heo của gia đình anh Sơn sinh trưởng và phát triển tốt, anh đã xuất bán được lứa heo đầu tiên.

Cứ như vậy trong một thời gian dài, với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, đàn gia súc của gia đình anh Sơn ngày một tăng đàn nên kinh tế gia đình anh khấm khá lên.

Song, anh nhận thấy Đơn Dương không chỉ là xứ rau mà còn là “thủ phủ” của nghề chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng. Nhờ bò sữa mà kinh tế của người dân Đơn Dương ngày một khởi sắc. Cộng với đó, năm 2012, khi bò sữa đang “lên ngôi” và phong trào nuôi bò sữa phát triển mạnh tại địa phương, anh đã quyết định chuyển sang đầu tư nuôi bò.

Lúc đó, giá bò sữa giống lên đến 50 - 70 triệu đồng/con nên Nguyễn Văn Sơn bán cả đàn heo mới mua được 1 con bò sữa. Để thực hiện ước mơ làm giàu và làm chủ bản thân, anh đã mạnh dạn vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mua bò sữa giống về nuôi. Thế nhưng việc chuyển đổi vật nuôi, nhất là cách chăm sóc bò sữa không hề đơn giản.

 

Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò của anh Sơn cho sản lượng cao, mỗi năm thu về tiền tỷ
Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò của anh Sơn cho sản lượng cao, mỗi năm thu về tiền tỷ

Một lần nữa anh Sơn lại lặn lội khắp nơi tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc con bò sữa. Tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet… cộng với một chút kiến thức chăn nuôi nên anh đã quyết định sẽ gắn bó với nghiệp bò sữa.

Sau khi có số vốn trong tay anh bắt đầu xây dựng chuồng trại, tìm kiếm nguồn thức ăn phù hợp, trồng thêm cỏ để phục vụ cho đàn bò. Ban đầu, khi mới bắt đầu nuôi, anh chỉ có 3 con bò sữa. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật đàn bò phát triển tốt và cho sữa. Cùng với đó, với số vốn xoay vòng từ việc bán sữa, đến nay anh Sơn đã phát triển đàn bò sữa lên đến 31 con, trong đó có 18 con đang cho sữa.

Anh Sơn chia sẻ: “Lúc đầu mới nuôi, tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi bò sữa là loại động vật khá kén thức ăn, dần dần thì mọi việc dễ dàng hơn khi mình nắm bắt được các nhu cầu của chúng. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên đàn bò cho sản lượng sữa rất cao.

Hiện, với 18 con bò đang cho sữa, trung bình mỗi ngày đều thu được gần 400kg sữa, với giá sữa hiện tại mà tôi đang nhập cho công ty sữa là 12,5 ngàn đồng/kg (trước đây là 14,5 ngàn đồng). Vì vậy, mỗi tháng gia đình tôi có bỏ túi được gần 150 triệu đồng”.

Cũng theo anh Sơn, để chăn nuôi bền vững, mình phải tạo được sự liên kết và tìm được đầu ra ổn định. Nhờ vậy, trong thời qua khi giá sữa bị tụt giảm khiến nhiều hộ dân địa phương không bán được phải đổ bỏ, nhưng sản lượng sữa của đàn bò gia đình anh vẫn bán với giá ổn định. Anh lý giải, những hộ dân không bán được sữa là do chăn nuôi tự phát, không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đầu ra khó khăn.

Hiện nay, trang trại bò sữa không những giúp anh Sơn từ hai bàn tay trắng trở thành “triệu phú bò sữa” mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.

Ngoài nuôi bò sữa, Nguyễn Văn Sơn còn tích cực tham quan, học hỏi để đưa một số giống vật nuôi mới về nuôi thử nghiệm, với mong muốn nhân rộng cho các nhà nông trẻ khác tại địa phương. Anh đã từng tiên phong áp dụng mô hình nuôi dế, tắc kè, rắn… thử nghiệm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi mà Nguyễn Văn Sơn còn là một cán bộ Đoàn gương mẫu, luôn nhiệt tình trong các hoạt động phong trào để góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên. Anh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa… ở khu dân cư tại địa phương.

Bên cạnh đó, anh cũng không ngừng động viên, giúp đỡ các đoàn viên khác trong chi đoàn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên làm giàu chính đáng. Vừa sản là nhà nông xuất kinh tế giỏi, lại tích cực tham gia công tác Đoàn ở địa phương nên anh Sơn nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng.

Bí thư Huyện Đoàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), anh Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Nguyễn Văn Sơn là một thanh niên tiêu biểu tại địa phương. Với nỗ lực của mình, cậu ấy đã vươn lên làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho nhiêu thanh niên trong xã.

Không những sản xuất kinh tế giỏi, mà Sơn còn rất nhiệt tình tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Tấm gương Bí thư Chi đoàn thôn 2, xã Đạ Ròn Nguyễn Văn Sơn xứng đáng để nhiều thanh niên nông thôn khác học tập”.

Ngọc Hà

 

“Triệu phú” bò sữa xứ rau lập nghiệp từ hai bàn tay trắng - 2