1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Trên 160.000 tỷ đồng nợ trái phiếu chính phủ đã tới hạn trả!

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm, khối lượng thanh toán gốc và lãi trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã lên tới 160.684 tỷ đồng. Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP và điều chỉnh cơ chế lãi suất thích hợp thì dự kiến cả năm 2015, số huy động sẽ không đủ để thanh toán khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn.

Lợi nhuận của các ngân hàng (đối tượng chủ yếu mua vào trái phiếu Chính phủ) đang có xu hướng giảm
Lợi nhuận của các ngân hàng (đối tượng chủ yếu mua vào trái phiếu Chính phủ) đang có xu hướng giảm

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) lên Chính phủ cho hay, tính trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng thanh toán gốc và lãi trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã lên tới 160.684 tỷ đồng, trong khi đó tổng khối lượng phát hành TPCP đạt 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm.

Ủy ban đánh giá, nếu không có điều chỉnh thích hợp về kỳ hạn thì kế hoạch phát hành TPCP năm 2015 khó khả thi.

Hiện lãi suất phát hành tăng nhẹ ở kỳ hạn 5 và 10 năm lên mức tương ứng là 6,65% và 7%, lãi suất kỳ hạn 15 năm giữ nguyên ở mức 7,65%.

Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP và điều chỉnh cơ chế lãi suất thích hợp thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ so với kế hoạch và số huy động không đủ để thanh toán khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn.

Tình hình phát hành trái phiếu khó khăn đã khiến thanh khoản của Kho bạc Nhà nước rơi vào tình trạng căng thẳng. Cụ thể, kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2015 được dự toán là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong khi mức chi là 1147,1 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu với kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nợ. Mặc dù Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thừa nhận, đây gần như là cách khả thi nhất khi mà phát hành trái phiếu trong nước từ đầu năm đến nay đang gặp khó, vẫn còn hơn 40% chưa thực hiện được.

Trong khi đó, theo ghi nhận của UBGSTCQG, mặc dù thu ngân sách khó khăn do thu từ dầu thô giảm mạnh song năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước dự báo vẫn đạt và vượt dự toán. Tính lũy kế đến 15/10 tổng thu NSNN đạt 709,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ (cùng kỳ 2014 đạt 85,9% dự toán, tăng 17,5%).

Thu ngân sách tăng khá nhờ đóng góp lớn từ các khoản thu nội địa, tuy nhiên, thu sản xuất kinh doanh (chiếm tới 75,6% thu nội địa theo dự toán 2015) lại có mức tăng chậm hơn so cùng kỳ 2014, kể cả sau khi đã loại trừ nguồn thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù vậy, ước tính đến cuối năm thu ngân sách sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tổng thu ngân sách ước đạt 927,5  nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so với dự toán và đạt mức tăng 7,4% so với cùng kỳ 2014.

Tại báo cáo này, UBGSTCQG cũng cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng, mặc dù trong tháng 10, tăng trưởng tín dụng khá, hệ số lợi nhuận biên tăng nhẹ, song do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến mức sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm.

Tháng 10, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.

Cũng theo ghi nhận của Ủy ban, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng tích cực với sự gia tăng tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn. Theo số liệu UBGSTCQG, tỷ trọng dư nợ các khoản vay ngắn hạn/tổng dư nợ đã giảm dần từ mức hơn 50% trong các năm 2011, 2012, 2013 xuống mức 49,74%  vào cuối năm 2014 và giảm còn 45,62% trong tháng 8/2015.

Mặc dù có một số nhân tố gây sức ép tăng lãi suất như tăng trưởng tín dụng tăng, nhu cầu huy động TPCP lớn. Lạm phát ở mức thấp trong năm 2015 là nhân tố để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Do vậy, theo UBGSTCQG, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức lãi suất thấp hợp lý trong năm 2015.

 

Bích Diệp

Trên 160.000 tỷ đồng nợ trái phiếu chính phủ đã tới hạn trả! - 2