Tre già măng mọc, loạt 8X ngồi "ghế nóng" tập đoàn tỷ USD
(Dân trí) - Hàng loạt tổng giám đốc thuộc thế hệ 8X được bổ nhiệm tại các tập đoàn tỷ đô là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.
8X làm tổng giám đốc tập đoàn tỷ USD
Thế hệ 8X đang thay thế dần các lãnh đạo cũ, ngay cả tại các tập đoàn lớn tại Việt nam. Đáng chí ý trong đó, Tập đoàn Masan vừa thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Danny Le giữ chức Tổng Giám đốc công ty với nhiệm kỳ 5 năm. Doanh nhân 8X này thay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm CEO Masan từ ngày 19/6. Ông Quang sẽ tập trung cho công việc chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này.
Tương tự, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng đã ban hành nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Trần Thành Nam giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/1/2020.
Thời gian tập sự chức Quyền Tổng Giám đốc là từ 18 đến 24 tháng từ ngày bổ nhiệm, theo qui định hiện hành của tập đoàn. Không chỉ thuộc thế hệ 8X, ông Nam còn sinh ngày 24/4/1988, chỉ 32 tuổi.
Là một trong những CEO trẻ nhất thị trường chứng khoán, Chủ tịch của cổ đông lớn Gelex, ông Nguyễn Văn Tuấn, đã trúng cử làm Chủ tịch HĐQT của Viglacera nhiệm kỳ 2019-2024. Ông Tuấn sinh năm 1984 và lần đầu tiên giữ chức vụ cao tại các doanh nghiệp là vào năm 2013 khi được bầu làm phó Chủ tịch HĐQT của Fecon.
Cùng thế hệ 8X, Lê Thị Hoàng Yến chính thức trở thành Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh sau 7 năm tu nghiệp tại nước Anh và từ khi chưa đầy 30 tuổi, bà Lê Thị Hoàng Yến đã đảm nhận toàn bộ việc quản lý và vận hành chuỗi khách sạn lớn nhất Việt Nam giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Tổng giám đốc Vungtauship bất ngờ bị kiến nghị thay thế
Mới đây, HĐQT Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (Vungtauship) vừa có kiến nghị thay Tổng giám đốc công ty này.
Công văn do ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vungtauship ký gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) và Sở Nội vụ tỉnh này cũng không nêu nguyên nhân vì sao có kiến nghị như trên nhưng cũng có nêu rõ, trước đó, trong cuộc họp của HĐQT công ty và cuộc họp với lãnh đạo tỉnh BR-VT, một số thành viên HĐQT công ty cũng đã có kiến nghị như trên.
Quyết định trên đưa ra được cho là bởi, nhiều cổ đông và thành viên HĐQT công ty này đặt câu hỏi câu hỏi về trách nhiệm cá nhân của Tổng giám đốc công ty Nguyễn Khắc Du, trong một vụ chuyển nhượng rất khó hiểu.
Mà ở đó, Vungtauship chỉ thu về được 107 tỷ đồng cho 41 ha đất cùng các giá trị mang lại của liên doanh. Trong khi liên doanh đó lại kinh doanh hiệu quả và có lãi từ sớm. Nhất là lại đề xuất chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp không đúng với chỉ đạo của UBND tỉnh BR-VT.
Bầu Đức quyết “sống chết” với cây ăn quả
Theo kế hoạch, vào ngày 26/6 tới, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ triệu tập đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Thông tin đáng chú ý trong đó là việc HAGL dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần 5.082 tỷ đồng, chủ yếu từ mảng cây ăn quả và mủ cao su.
Tuy nhiên, mức kế hoạch lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng. Năm 2020, HAGL dự kiến không thực hiện chia cổ tức.
Tờ trình do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức ) ký dự kiến trình đại hội đồng cổ đông khẳng định, trọng tâm năm 2020 của HAGL là duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả hiện có nhằm đảm bảo tính ổn định trong sản xuất kinh doanh song song với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.
Đại gia Lê Phước Vũ vẫn chi "đậm" mua sắm
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen ngày 18/6 quay đầu giảm 1,3% còn 11.350 đồng sau chuỗi tăng khá tốt. Hiện tại, trong khoảng 1 tuần vừa qua, HSG đã tăng 10,19%.
Song, thông tin đáng chú ý là ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen vừa công bố thông tin đã mua thêm 20 triệu cổ phiếu HSG. Qua đó, nâng sở hữu của ông tại tập đoàn từ 54,34 triệu cổ phiếu tương ứng 12,22% vốn điều lệ, lên 74,34 triệu cổ phiếu tương đương 16,72% vốn điều lệ.
Giao dịch này được ông Lê Phước Vũ thực hiện thông qua giao dịch thoả thuận trong ngày 17/6/2020.
Thế Hưng