Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện

(Dân trí) - Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận tài chính, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng về giới vẫn chưa được cải thiện.

Hôm nay 26/9, Hội thảo chuyên đề khu vực ASEAN về tài chính toàn diện năm 2019 do Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh chủ trì được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện”.

Trao quyền kinh tế cho nữ giới thông qua đổi mới tài chính toàn diện - 1

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Dù đã có những thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, sẽ vẫn còn nhiều thách thức phải xử lý đặt ra cho cộng đồng quốc tế.

Những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện trên thế giới đã thu được những kết quả tích cực. Theo Findex 2017 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tiếp cận tài chính toàn cầu là 69%, tăng 7% so với năm 2014 và 18% so với năm 2011, trong đó, tại các nước đang phát triển, con số này tăng từ 54% năm 2014 lên 63% năm 2017. Kết quả đạt được đã giúp người dân và doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ tài chính tốt hơn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị, đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính, cải thiện các chỉ số về tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, dù đã có những thành công nhất định trong triển khai tài chính toàn diện trên phạm vi toàn cầu, sẽ vẫn còn nhiều thách thức phải xử lý đặt ra cho cộng đồng quốc tế. Cũng theo Findex, khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành vẫn chưa được tiếp cận tài chính, khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng về giới trong tiếp cận tài chính vẫn chưa được cải thiện so với số liệu từ các cuộc điều tra trước, mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính cho người dân còn chưa đầy đủ và có sự chênh lệnh, bên cạnh đó vẫn còn sự bất cập về khuôn khổ pháp lý cho giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đầu tư chưa đúng mức cho nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Trước những thách thức này, thời gian gần đây, các nước ASEAN đã cùng nhau xây dựng một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thường xuyên thông qua Nhóm công tác về tài chính toàn diện và đưa ra mục tiêu chung là giảm tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận tài chính trong khu vực ASEAN từ 44% xuống 30% và tăng tính sẵn sàng của cơ sở hạ tầng tài chính toàn diện từ 70% lên 85% vào năm 2025.

Hội thảo chuyên đề về tài chính toàn diện cũng là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình này với rất nhiều chủ đề, nội dung hữu ích, mang tính thời sự đã được đưa ra thảo luận như tài chính toàn diện số, các sáng kiến tăng cường tài chính toàn diện như đại lý ngân hàng, tài chính vi mô, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tập trung vào các đối tượng mục tiêu, chưa được hoặc tiếp cận chưa đầy đủ với dịch vụ tài chính - ngân hàng như người nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương.

Trong số đó, vấn đề bình đẳng giới về tiếp cận tài chính, đặc biệt là tăng cường vai trò và quyền của phụ nữ trong thúc đẩy tài chính toàn diện cũng đã được lồng ghép vào các chủ đề đưa ra thảo luận. Theo Findex 2017, tỷ lệ nữ giới toàn cầu có tài khoả tại tổ chức tài chính là 56%, thấp hơn 7% so với nam giới, trong khi đó chênh lệch này là 9% ở các nước đang phát triển và sự chênh lệch này không thay đổi từ cuộc điều tra năm 2011 và 2014 đến nay.

Đây là lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua các sáng kiến đổi mới về tài chính toàn diện” làm trọng tâm trao đổi tại hội thảo năm nay nhằm tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ về những thách thức chính mà phụ nữ đang phải đối mặt trong tiếp cận tài chính và hoạt động kinh doanh. Qua đó tìm ra định hướng, giải pháp hữu hiệu để phụ nữ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, được thụ hưởng tối đa các lợi ích khi được tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế.

An Hạ