1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trào lưu chế logo Vinamilk gây bão mạng, giới đầu tư phản ứng ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi mạng xã hội xuất hiện trào lưu mới "đu trend" theo nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk thì trên thị trường chứng khoán, mã này có phiên tăng thứ 4.

Trong suốt phiên giao dịch ngày 11/7, các chỉ số trên thị trường hầu như chỉ dao động trên vùng tham chiếu. VN-Index tăng điểm nhưng áp lực chốt lời vẫn khá lớn.

Chỉ số đại diện sàn HoSE rung lắc và chốt phiên với mức tăng nhẹ 2,75 điểm tương ứng 0,24% lên 1.151,77 điểm; VN30-Index tăng 3,51 điểm tương ứng 0,31%. HNX-Index tăng 0,85 điểm tương ứng 0,37% và UPCoM-Index tăng 0,58 điểm tương ứng 0,69%.

Thanh khoản thị trường đạt tốt với khối lượng giao dịch trên HoSE là 936,9 triệu đơn vị tương ứng 19.137,4 tỷ đồng. HNX có 111,7 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.732 tỷ đồng. Con số này trên UPCoM là 55,2 triệu cổ phiếu tương ứng 736,5 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy số lượng mã tăng trên thị trường chỉ nhỉnh hơn so với số mã giảm (504 mã so với 418 mã), không cách biệt quá nhiều. Trong khi HPG, BID, VPB, PLX và GAS lần lượt là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chính thì chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu có tác động tích cực nhất trên HoSE là CTG, MBB, MSN, MWG và VNM.

VNM đang có phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Mã này hôm nay tăng nhẹ 0,97% lên 72.800 đồng. Nhìn chung, giới đầu tư vẫn đang phản ứng khá tích cực với cổ phiếu Vinamilk trong bối cảnh doanh nghiệp vừa "thay áo" sau gần 5 thập kỷ gắn bó với bộ nhận diện cũ.

Mặc dù ban đầu nhận được không ít phản ứng khen - chê trái chiều song trong 2 ngày gần đây, việc cho phép công chúng thay đổi nội dung trên nền logo mới đã giúp Vinamilk tạo cú "twist" (cú ngoắt) ngoạn mục, gây bão mạng và tạo thành xu hướng "hot".  

Trào lưu chế logo Vinamilk gây bão mạng, giới đầu tư phản ứng ra sao? - 1

Một phiên bản biến tấu khi người dùng mạng xã hội chỉnh sửa logo theo ý thích (Ảnh: MC).

Theo công bố của Vinamilk, doanh nghiệp ước tính doanh thu quý II khoảng 15.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ, lãi sau thuế ước đạt 2.220 tỷ đồng, tăng 5,6%. Như vậy, doanh thu nửa đầu năm của đại gia ngành sữa là khoảng 29.200 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 46% kế hoạch doanh thu và gần 48% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Trên thị trường chứng khoán, VNM từng là một trong những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường. Hiện tại, giá trị vốn hóa của VNM là 152.149 tỷ đồng, xếp thứ 7 thị trường về vốn hóa.

Trào lưu chế logo Vinamilk gây bão mạng, giới đầu tư phản ứng ra sao? - 2

Lịch sử giá cổ phiếu VNM (Nguồn: Tradingview).

Trở lại với thị trường chung, có 16 trong số 30 mã cổ phiếu VN30 tăng giá. Cổ phiếu ngành ngân hàng ủng hộ đà tăng chỉ số phiên hôm nay. Phần lớn các mã thuộc ngành này tăng giá, trong đó, MBB tăng 2,2%; CTG tăng 2%; MSB tăng 2%; HDB tăng 1,4%.

Các ngành còn lại hầu hết xảy ra phân hóa. Tại ngành bất động sản, CCL tăng trần, LEC tăng 6,7%; SJS tăng 3,8%; TEG tăng 2,9%; VPH tăng 2,7% nhưng chiều ngược lại, FDC lại giảm sàn; TIX giảm 4,3%; SZL giảm 3,2%; DTA giảm 3,1%; DRH giảm 2,9%.

Sự điều chỉnh của một bộ phận cổ phiếu chủ yếu đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư. Bức tranh thị trường nhìn chung tích cực khi chỉ số tăng trên nền thanh khoản tốt.

Tin tích cực với thị trường là theo điều chỉnh mới nhất của Ngân hàng Nhà nước ngày 10/7, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tăng từ 11% lên khoảng 14%.

Trong động thái mới nhất, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2 điểm %.