Tranh thêu XQ và ông chủ “nằm mộng” giữa thương trường

(Dân trí) - Những cô thợ thêu của XQ với tà áo dài tha thướt ngồi bên khung thêu, tiếng sáo, tiếng đàn giữa khung cảnh như trong truyện cổ. Còn giám đốc Võ Văn Quân đi tới đâu là thấy tiếng ghita, tiếng hát, tiếng thơ - vị giám đốc “nằm mộng” giữa thương trường…

Quân “khùng” nếm đắng cuộc mưu sinh

Là đứa con ngoài giá thú, mẹ bỏ đi vì không chịu nổi điều tiếng, Võ Văn Quân lớn lên bơ vơ với cả tuổi thơ dài là những ám ảnh về chết chóc, đói nghèo, nhà cháy, lưu lạc của chiến tranh…

Đứa trẻ bị bỏ rơi tủi phận, ít bạn bè, sống tách biệt nhưng lại ôm những mơ mộng “tràn bờ” với thế giới của thơ ca, nghệ thuật. Biệt danh “khùng” đã đeo theo Quân từ đó.

Dấu mốc cuộc đời chính là khi Võ Văn Quân làm nhân viên kỹ thuật X-quang và gặp được người bạn đời - cô thợ thêu “thoát ly” làm y tá Hoàng Lệ Xuân. Chị Xuân cũng sớm mồ côi mẹ với ký ức đau buồn khi tận mắt thấy cảnh bà lìa trần ngay bên khung thêu trong một trận bom.

Vợ chồng Xuân - Quân đến với nghề thêu, với những bức tranh kết bằng chỉ màu không biết từ lúc nào nhưng gần như là tất yếu. Thương hiệu XQ Đà Lạt sau này cũng chỉ đơn thuần là sự ghép nối, kết duyên giữa một cô thợ thêu và một anh chàng họa sỹ vẽ mẫu tranh.
Tranh thêu XQ và ông chủ “nằm mộng” giữa thương trường - 1
 
Không gian nghề thêu tại XQ Sử quán.

XQ lập nghiệp vào đúng thời điểm nghề thêu “mạt” nhất. Tranh thêu chủ yếu chỉ làm hàng gia công, nghèo nàn, lạc lõng. Võ Văn Quân khi đó vẫn cố bám một chân nhân viên chụp X-quang để kiếm tiền mua vải và chỉ thêu. Chị Xuân cũng lăn qua buôn bán để giữ nguồn sinh nhai cho cả gia đình.

Cơ sở tranh thêu thành lập khi đó chỉ có 3 người: vợ chồng Xuân - Quân và người chị vợ (phải làm thêm nghề uốn tóc để kiếm sống). Ban ngày Quân đi làm, tối về vẽ mẫu cho vợ và chị thêu. Chật vật mãi mới hoàn thành được hai bức tranh đầu tiên, nhưng do không có tiền mua khung và kính, anh đi rao bán hai mảnh vải thêu với mức giá “bèo”.

Hai bức tranh đầu tiên được Công ty dâu tằm tơ Bảo Lộc mua. Năm bức tranh tiếp theo, anh khấp khởi mang ra chợ bán với ý định mua tặng vợ và chị hai chiếc khăn làm kỷ niệm. Nhưng rồi cả buổi chợ, khách chỉ ngắm nghía mà chẳng ai mua.
 
Tranh thêu XQ và ông chủ “nằm mộng” giữa thương trường - 2
 
Đội thợ thêu của XQ trong ngày hội nghề.

Sau lần đó, Quân dằn vặt rất nhiều và quyết định bắt đầu vẽ những mẫu tranh hoàn toàn khác. Anh vẽ lại gương mặt, tình cảm, câu chuyện của những người hàng xóm. Sau đó, anh mang tranh tặng cho chính người được vẽ khiến họ ngỡ ngàng và trân trọng.

Tiếng lành và cả tiếng “lạ” đồn xa, người ta kéo nhau đến xem, rồi mua tranh của anh. Có chút vốn ban đầu và niềm tin vào nghề tranh thêu tay, vợ chồng anh bắt đầu tuyển nhân công… Ngày 30/10/1996, công ty TNHH XQ Đà Lạt chính thức thành lập.

Tuy vậy, cuộc mưu sinh cùng với những người thợ thêu không hề đơn giản. Có khi 1 - 2 tháng liền, xưởng thêu không có tiền trả số lương vốn ít ỏi cho công nhân phải mang cả tài sản trong nhà đi cầm cố. Thậm chí có lần không bán được bức tranh nào, vợ chồng “ông bà chủ” không có cả gạo ăn, chính những người thợ thêu lại về nhà lấy gạo, mắm muối lên “tiếp tế”.

“Thiên mộng” tranh thêu

Ngày 29/12/2001, làng nghề thêu tay truyền thống XQ Sử Quán chính thức khai trương tại Đà Lạt, như một sự tri ân của vợ chồng giám đốc Võ Văn Quân - Hoàng Lệ Xuân với thành phố mộng mơ này. Nằm ngay cạnh Thung lũng tình yêu, XQ Sử Quán trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Đà Lạt, điểm dừng chân giữa những con dốc dài mướt mát thông xanh, bảng lảng dã quỳ.

Những cô thợ thêu của XQ, tà áo dài tha thướt ngồi bên khung thêu, tiếng sáo, tiếng đàn giữa khung cảnh như trong truyện cổ. Người ta phục Quân về những chiêu thức “làm cảnh” để hút khách, anh lắc đầu: “Đấy là cách tôn người thợ của mình lên”.

Anh phân trần, xưa nay, hình ảnh về người thợ thêu là của những cô gái ít học, yếu thế, nghèo hèn… Chính những cô gái làm nghề thêu cũng tự ti, mặc cảm, ra đường không dám nhận nghề của mình. Họ rất dễ bỏ việc, hoặc chỉ đi làm thêm để cải thiện thu nhập. Phải làm cho những người thợ yêu và tự hào về nghề thêu. Phải làm cho những cô gái nhu mì, tự ti ấy tự thấy nhu cầu khẳng định bản thân mãnh liệt, dấn thân và quyết liệt.

Võ Văn Quân đã xây dựng mô hình để người thợ trở thành trung tâm trong những xưởng thêu XQ. Với cách quản lý của XQ, người thợ dường như không bị quản thúc thời gian bởi giám đốc luôn duy trì phong thái chậm rãi, thư thái.
 
Nét tính cách của người phụ nữ Việt chăm chỉ, dịu dàng, hiền thục từ những cô thợ thêu đã để lại ấn tượng khó quên cho khách. Từ cách cúi chào từ tốn, trang nhã vào sớm mai, chiều tối cho tới chén trà nóng, nụ cười duyên dáng, hiếu khách của các cô thợ thêu, chính họ tạo nên sự cộng hưởng, cho ra những bức tranh thêu tay XQ như hòa khúc giữa thơ, nhạc, hoạ và hồn Việt thuần nhất.
 
Tranh thêu XQ và ông chủ “nằm mộng” giữa thương trường - 3
 
Kỳ công xây dựng hình ảnh đẹp về người thợ thêu.

Thêu một bức tranh trở thành công việc sáng tạo, đầy cảm xúc và tâm huyết của người thợ. Vậy nên mới có câu chuyện một cô thợ thêu đem lòng yêu người trong bức chân dung ngày ngày cô cũng ngồi thêu, đã thuộc từng đường nét của gương mặt ấy. Câu chuyện của cô đã đi vào phim ảnh, âm nhạc và lưu truyền như một nét tính cách lãng mạn, đáng yêu của những cô gái Đà Lạt.

Một nghệ nhân khác thì tự tay rạch nát bức tranh thêu tiêu tốn bao công sức của mình trong cơn tuyệt vọng. Nhưng rồi chính cô cũng không thể từ bỏ nghề thêu đã có lúc tưởng như không thể nuôi sống bản thân cô.

Sự công phu ấy đảm bảo cho mỗi bức tranh thêu là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất. Từ ngày đầu “chào hàng” tới nay, tranh thêu XQ vẫn luôn trung thành với tiêu chí ấy. Ngay cả với những tác phẩm được khách hàng đặc biệt yêu thích và đặt hàng, cũng phải tuân theo nguyên tắc không làm lại quá 3 lần và đảm bảo mỗi lần thêu là một sự sáng tạo mới.

Vì thế, trong thế giới tranh thêu XQ không thể có hai tác phẩm giống hệt nhau, và càng không thể có chuyện “tranh chép”, “tranh nhái”. Tác phẩm “Khúc hát nguồn cội” với kích thước 330x280cm do 9 nghệ nhân thêu ròng rã trong suốt 235 ngày đã trở thành bức tranh thêu tay lớn nhất và ghi vào kỷ lục Việt Nam.
 
XQ đến nay đã có hơn 3.000 thợ thêu, trong đó có hơn 2.000 nghệ nhân và 6 công ty trực thuộc trong và ngoài nước.

Tranh thêu XQ và ông chủ “nằm mộng” giữa thương trường - 4
  

Giám đốc Võ Văn Quân.

Quản lý một “cơ ngơi” không nhỏ nhưng giám đốc Võ Văn Quân vẫn “cầm kỳ thi họa, đủ mùi ca ngâm” và thường xuyên chủ động truyền các “ngón nghề” cho anh em nhân viên. Không hiểu từ bao giờ và mất bao lâu, anh tự trang bị cho mình khả năng viết nhạc, hát, chơi đàn, vẽ tranh, làm thơ, thậm chí “xài” cả nghệ thuật sắp đặt. Nhiều anh họa sỹ, thợ thêu, nhân viên hành chính… chưa từng biết tới một nốt nhạc, một câu thơ sau thời gian ở XQ, trở thành những “nghệ sỹ nghiệp dư”.

Bước chân ra thị trường quốc tế, đụng sự cạnh tranh khốc liệt của tranh thêu Trung Quốc, vị giám đốc “nằm mộng” giữa thương trường vẫn “hát tràn” tuyên bố “chưa muốn chấm dứt thiên mộng đẹp”.

Anh mím môi, tự nhủ phải xây dựng cho được dòng tranh thêu Việt. Ít ai biết, mấy chục năm ròng Quân “khùng” chỉ mong có một ngày, một buổi “cái đầu không phải nghĩ”.

Câu trả lời có ngay sau hội nghị cấp cao APEC 2006, đoàn đại biểu của cường quốc tranh thêu - Trung Quốc ghé thăm XQ tìm hiểu “công nghệ” làm tranh thêu Việt. Nhắc tới đối sách khi vị khách láng giềng ào vào thị trường nội địa với áp lực cạnh tranh lớn về dòng tranh thêu giá rẻ, Võ Văn Quân cười nhẹ bẫng: “Càng đông người buôn bán, chợ càng thêm vui”.

Thanh Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm