Tranh cãi việc khách sạn 5 sao phải có giấy phép mới được bán rượu

(Dân trí) - Đại diện Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đề nghị bỏ quy định cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, làng du lịch...) đã được xếp hạng, gắn sao phải có giấy phép kinh doanh rượu. Trong khi đại diện Bộ Công Thương cho rằng phải có giấy phép để quản lý tránh rượu lậu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Cuối ngày 22/4, Tổ Công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã họp bàn với các bộ, ngành liên quan về các vấn đề vướng mắc trong thủ tục kinh doanh.

Tranh cãi việc khách sạn 5 sao phải có giấy phép mới được bán rượu - 1

Các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các Bộ, ban ngành.

Vấn đề được bàn luận khá sôi nổi tại buổi làm việc là yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, làng du lịch...) đã được xếp hạng, gắn sao phải có giấy phép kinh doanh rượu được nêu tại Nghị định 105 về kinh doanh rượu (Bộ Công Thương). Tuy nhiên, trong Luật Du lịch 2017 không đề cập quy định này.

Đại diện Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát cho rằng, xin thêm giấy phép con khiến các cơ sở lưu trú du lịch gặp khó khăn, phát sinh thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: Xếp hạng sao là chất lượng dịch vụ, còn quản lý hàng hóa sử dụng trong cơ sở đó cần kiểm soát.

"5 sao không chắc bán rượu lậu, vì thế cần xem lại chữ giấy phép vì thực tế bán rượu lợi nhuận tương đối lớn, lợi dụng là có thể", ông An nói.

Ông này cho rằng, vẫn cần giải pháp để các cơ sở lưu trú, khách sạn được gắn sao cam kết bán rượu có nguồn gốc xuất xứ, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: Nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, không cần thêm giấy phép.

"Tôi thấy là không cần thiết, chỉ cần thông báo, có hợp đồng chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rượu", Bộ trưởng Dũng đề nghị

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần chỉ đạo Thủ tướng là tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, những gì cần tăng cường quản lý Nhà nước thì vẫn duy trì, còn nếu thủ tục tạo ra chi phí, rào cản thì thống nhất đề xuất Thủ tướng cắt bỏ.

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát đề xuất bỏ quy định cấm bán rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên mạng Internet.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lo ngại: Việc kiểm soát tuổi, nguồn gốc rượu trên Internet hiện khó khăn khi thương mại điện tử phát triển, nên cần quy định kiểm soát.

"Trên môi trường mạng thì họ khai tên, tuổi ảo rất khó kiểm soát. Nếu Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia bỏ quy định này đi thì vẫn phải có giải pháp kiểm soát bán rượu bia trên Internet. Đã mở ra thì phải giám sát vì nó phức tạp", ông An nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến thông qua.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói: Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Tổ công tác sẽ góp ý theo hướng "thuận lợi, quản lý được chứ không phải không quản được là cấm".

An Linh