Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Nên cấm hay nên quản?

(Dân trí) - Mặc dù sắp đến thời điểm bấm nút thông qua Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của một số điều khoản trong Dự thảo này. Một trong những điều khoản đó là qui định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet.

Ở các phiên thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa IX vào tháng 11 năm 2018, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ ý kiến về tính khả thi thấp của nội dung cấm bán rượu, bia trên Internet trong Dự thảo. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, quy định này đang đi ngược xu hướng quốc tế, không phù hợp với thời đại của công nghệ kỹ thuật số và thương mại điện tử, thậm chí còn tạo ra những mâu thuẫn trong quy định luật pháp, gây bất cập trong thực tiễn.

Hệ luỵ từ qui định thiếu tính khả thi

Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Nên cấm hay nên quản? - 1

Quy định cấm bán rượu qua Internet đã có từ Nghị định 94/2012/ND-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu, và tiếp đó là trong Nghị định 105/2017/ND-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 có qui định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên Internet. Tuy nhiên, trên thực tế bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể mua các sản phẩm rượu, bia trên mạng Internet. Nhưng các công ty sản xuất hoặc các nhà phân phối rượu chính thức thì không ai có thể khẳng định rằng những sản phẩm đang bán trên Internet là sản phẩm của họ.

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia tổ chức ngày 9/4/2019 tại Hà nội, đại diện công ty Pernod Ricard, một nhà sản xuất rượu nổi tiếng của Pháp, cũng là đồng chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu manh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khẳng định rằng những sản phẩm rượu đang bán trên Internet đều là rượu giả hoặc rượu nhập lậu, xách tay. Công ty không có bất kỳ một kênh phân phối nào trên Internet tại Việt Nam. Thực tế này cho thấy qui định này đang chỉ hạn chế các đơn vị kinh doanh hợp pháp và có ý thức tuân thủ pháp luật, và vì vậy lại tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh và các sản phẩm bất hợp pháp có môi trường phát triển.

Quan ngại của các đại biểu Quốc hội

Theo đại biểu Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam), qui định cấm bán rượu, bia trên Internet không phù hợp với chủ trương của nhà nước về tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Nên cấm hay nên quản? - 2

Việc cấm bán rượu, bia trên mạng Internet, theo đánh giá của ông Bình, tạo ra rào cản thương mại và phân biệt đối xử, không phù hợp với Khoản 4, điều 5 của Luật Đầu tư quy định về việc nhà nước cần tạo sự sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững các ngành nghề kinh tế.

Không những vậy, ông Bình khẳng định, việc bán hàng trên Internet còn là một công cụ giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí và nguồn lực trong việc kiểm soát hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và sẽ góp phần chống thất thu thuế. Thông qua hệ thống giao dịch điện tử, cơ quan thuế hoàn toàn kiểm soát việc thu thuế một cách triệt để.

“Bán hàng trên mạng Internet là kênh minh bạch, rõ ràng với các giao dịch diễn ra công khai và được lưu trữ chứng từ điện tử đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước… Do vậy tôi đề nghị bỏ quy định không được bán bia trên mạng Internet quy định tại Khoản 3 điều 20 của Dự thảo Luật” – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ.

Cần quy định chặt chẽ, nhưng không nên cấm

Theo Báo cáo thẩm tra dự án luật của Uỷ ban các vấn đề xã hội, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cũng không tán thành quy định cấm bán rượu bia trên Internet vì cho rằng không có tính khả thi, nhưng nên có quy định các điều kiện chặt chẽ kèm đối với việc bán rượu, bia trên Internet. Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Chia sẻ bên lề buổi lễ công bố Sách Trắng của Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Paul Auriol, đồng chủ tịch Tiểu ban Rượu vang và Rượu manh thuộc Eurocham cho biết phần lớn các nước trong khối liên minh châu Âu đều không cấm bán rượu, bia trên Internet, tuy nhiên các nước này cũng có những qui định chặt chẽ nhằm quản lý hoạt động này. Ví dụ, chỉ những doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh rượu mới được bán rượu trên Internet. Các trang thông tin điện tử bán rượu đều phải có các công cụ để xác định tuổi của người mua để đảm bảo không bán rượu cho người dứoi 18 tuổi. Bên cạnh đó, người nhận hàng cũng phải chứng minh đủ tuổi uống rượu. Tại Anh, trang thương mại điện tử Amazon còn yêu cầu các nhân viên giao hàng phải dành ít nhât 25 giây để kiểm tra thẻ căn cước và giấy tờ của người nhận hàng để chứng minh là họ đủ tuổi được uống rượu. Nên chăng Việt Nam học hỏi kinh nghệp này của Châu Âu?

H.Anh