UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công:

Tràn lan "trúng thầu 100 tỉ, thanh toán vài trăm tỉ"

Trong báo cáo trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công ngày 23.9, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua dự luật vào thời điểm hiện nay, bởi nếu không sẽ “bó tay”, không thể ngăn hiện trạng đầu tư công tràn lan, dàn trải.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng “chỉ mặt, điểm tên” khâu gây lãng phí nhất chính là chủ trương đầu tư khi “cứ vẽ dự án ra rồi đi xin tiền”.

Thủ tướng cũng phải bức xúc sao đường núi lại làm to thế!

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, nếu Luật Đầu tư công được ban hành sẽ hạn chế tối đa việc bố trí tràn lan dự án, hay việc dàn trải dự án trong nhiều năm. “Tôi chắc rằng không ai dám nói mạnh là sẽ triệt để giải quyết được tình trạng này, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc thực hiện Chỉ thị 1792. Dù chỉ là một quyết định, nhưng đến nay do có thẩm định nên các địa phương không dám tự mình bố trí dự án ào ạt” - ông nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng nếu những nội dung của Chỉ thị 1792 được nâng lên thành luật thì hiệu quả sẽ rất cao.

Bộ trưởng KHĐT cho biết, dự án Luật Đầu tư công dành riêng một chương quy định rõ về chủ trương đầu tư, điều mà theo ông là “khâu lãng phí nhất, thất thoát nhiều nhất”. “Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m. Chủ trương này ai quyết định? Hay làm xong thì kệ không ai ở, không ai đến buôn bán. Không thể cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí” - ông nói.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dự án Luật Đầu tư công nêu rõ những người làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. “Có những chủ tịch tỉnh không cần biết trong túi mình có bao nhiêu tiền, cứ thích là duyệt chủ trương dự án xong đi xin trung ương rồi ký tràn lan. Nếu luật này ra đời sẽ không còn ai dám làm tràn lan, hàng loạt bộ, ngành và các địa phương sẽ không dám làm tùy tiện như vậy nữa” - ông Vinh nhận định.

Nguyên nhân tăng giá công trình: Ngụy biện hết

Dự án Luật Đầu tư công cũng yêu cầu rõ phải thẩm định vốn trước khi thực hiện dự án để chắc chắn ít nhất được 80% nguồn vốn là có. “Như vậy, khi dự án bắt đầu khởi công là sẽ có tiền giải ngân, chứ không còn những con đường kéo dài đến 10-15 năm như hiện nay” - Bộ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra ví dụ về một công trình thủy lợi ban đầu có quy mô tưới tiêu cho 1.000ha, có dự toán 1 tỉ đồng/ha. Nhưng sau khi làm xong thì dự án chỉ còn 500ha, khiến chi phí đội lên 2 tỉ đồng/ha, với đủ mọi lý do biện minh bởi thiết kế chưa đúng, rồi đổ tại nguồn nước hay do biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ KHĐT bức xúc: “Toàn là ngụy biện hết. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc đội giá công trình từ 1 tỉ đồng/ha lên 2 tỉ đồng/ha? Phải có giám sát dự án và đánh giá hậu đầu tư. Dự luật này sẽ đảm bảo điều đó và phù hợp với hiện thực nước ta hiện nay là đầu tư công tràn lan, không ngăn nổi những lãng phí này”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dự thảo Luật Đầu tư công không chỉ phù hợp lòng dân, phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn cho thấy Quốc hội quyết định sáng suốt. “Tôi cam kết Luật Đầu tư công sẽ giúp phanh lại hiện tượng trên. Nếu dự án luật này được thông qua vào năm 2014 và chúng ta quyết liệt thực hiện thì đầu tư công sẽ tốt lên rất nhiều” - ông thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Cuối cùng vẫn chỉ là... lấy bao nhiêu tiền?”

Hầu hết các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành việc ban hành Luật Đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ KHĐT phải rà soát lại các văn bản hiện hành để tránh sự trùng lặp và đảm bảo dự thảo luật này có thể khắc phục căn bệnh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả kéo dài nhiều năm trong đầu tư công.

Tràn lan trúng thầu 100 tỉ, thanh toán vài trăm tỉ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến đề nghị siết lại chủ trương đầu tư, đặc biệt là hợp đồng thầu phải đảm bảo “giá trúng thầu và giá thanh toán là một”, chứ không thể để tình trạng trúng thầu 100 tỉ, thanh toán vài trăm tỉ như hiện nay. Ông đặt câu hỏi: Tất cả các nhà thầu đều mua bảo hiểm để bù trì cho rủi ro, tại sao cứ phải tính lại giá và duyệt lại dự toán?

“Tôi biết quá rõ những chuyện này mà không làm gì được, vì tất cả các cơ quan thẩm quyền đều đóng dấu và đồng ý hết. Cơ quan thanh toán cứ thế mà làm thôi. Còn ông kế hoạch sau khi xong rồi, giao dự án rồi đến khi thanh toán là chẳng đánh giá gì, liên quan gì. Sau này mới có thẩm tra, giám sát, chứ trước đây có đâu” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu cứ tiếp tục như vậy thì luật lần này chất lượng kém. “Cứ nói chống tham nhũng, chống lãng phí và phải quản lý đầu tư, cuối cùng vẫn chỉ là lấy bao nhiêu tiền” - ông nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, cơ quan soạn thảo đã yêu cầu phải lấy chuyện đấu thầu trọn gói, hàm chứa dự phòng rủi ro là chủ thể và những trường hợp khác là phụ. “Nếu tình hình kinh tế vĩ mô tăng quá lớn, hoặc chính sách ra đời thay đổi quá lớn mới được phép chuyển sang hình thức khác là không trọn gói” - ông cho hay.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng góp ý ngôn ngữ trong dự thảo Luật Đầu tư công cần rõ ràng và dễ hiểu cho người dân. “Ở Điều 11 cần nói rõ nhóm A, B, C nằm ở đâu. Luật do Quốc hội ban ,nhưng phải dễ hiểu cho người dân. Ta có 90 triệu dân mà chả biết nhóm A là nhóm nào” - ông nhận xét.