1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Trần Bắc Hà: Năm tháng quyền lực, những lần tin đồn bị bắt

Ông Trần Bắc Hà là người có thời gian lèo lái con thuyền BIDV ở vào giai đoạn biến động nhất của ngành ngân hàng. Trong thời gian tại vị, có ít nhất 2 tin đồn ông Bắc Hà bị bắt khiến thị trường tài chính Việt Nam chao đảo, bốc hơi tỷ USD.

Sếp ngân hàng thời kỳ biến động

Trong 35 năm làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID), ông Trần Bắc Hà giữ vị trí chủ tịch HĐQT gần 9 năm. Trước đó, ông có thời gian dài gắn bó với BIDV từ lãnh đạo chi nhánh lên đến Tổng giám đốc.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, tại Hà Tây; nguyên quán Bình Định. Ông Bắc Hà tốt nghiệp cử nhân Tài chính kế toán và bắt đầu làm việc tại BIDV từ đầu năm 1981. Khoảng 10 năm sau đó, ông trở thành Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.

Tháng 10/1999, ông trở thành Phó Tổng giám đốc BIDV. Từ tháng 5/2003 đến tháng 12/2007, ông Trần Bắc Hà là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 1 năm 2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV.

Sau gần 9 năm ở vị trí ghế nóng, ông Hà nghỉ hưu từ 1/9/2016.

Ông Trần Bắc Hà: Năm tháng quyền lực, những lần tin đồn bị bắt - 1

Ông Trần Bắc Hà được xem là người quyền lực nhất ở BIDV trong một thời gian dài và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BIDV - một trong 4 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh có ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính.

Đầu năm 2014, ông Trần Bắc Hà đã cùng tập thể lãnh đạo đưa BIDV niêm yết 2,8 tỷ cổ phiếu BID trên sàn chứng khoán với giá 18.700 đồng/cp sau khi thực hiện cú IPO lớn nhất trên TTCK hồi năm 2011.

Ở vào khoảng thời gian thị trường ngân hàng sôi động, ăn nên làm ra, tài sản của BIDV đã tăng gần 4 lần từ dưới 250 ngàn tỷ đồng năm 2008 lên 930 ngàn tỷ đồng vào giữa năm 2016, thời điểm trước khi ông Hà nghỉ hưu. Lợi nhuận cũng tăng mạnh từ dưới 2,4 ngàn tỷ đồng lên gần 8 ngàn tỷ đồng (năm 2016).

Tuy nhiên, nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt từ gần 6 ngàn tỷ đồng 2008 lên hơn 13 ngàn tỷ đồng vào giữa 2016.

Ông Trần Bắc Hà là người có nhiều phát ngôn gây bão dư luận.

Cuối năm 2012, ông Trần Bắc Hà đã có những đánh giá về thực trạng thị trường bất động sản sau khi bong bóng vỡ. Ông Hà cho rằng, bệnh của thị trường bất động sản khi đó “nặng lắm rồi” và “nếu nó chết lâm sàng thì làm sao mà cứu nổi”.

Ông Trần Bắc Hà khi đó cũng cho rằng không nên quản lý tín dụng bất động sản nữa (siết room tín dụng ở mức 16%), không nên xem bất động sản như tội đồ và cần xem như các đối tượng chính sách.

Nổi sóng và tin đồn

Ông Trần Bắc Hà còn có những phát ngôn gây chú ý khác. Cuối 2013, tại hội nghị ngành ngân hàng, ông Hà cho cho rằng, dư luận có cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan, thậm chí sai lệch nên thời gian qua toàn ngành ngân hàng.

Ông Hà đặt ra câu hỏi, phải chăng vì ngân hàng là huyết mạch nên mọi bệnh tật của nền kinh tế đều đổ cho ngân hàng thì hợp lý hơn. Ông trùm ngành tài chính cũng đã nói về tâm trạng lo lắng, hoang mang, thậm chí uất ức của người làm ngân hàng sau một loạt các đại gia ngân hàng vướng vòng lao lý.

Trong thời gian ngồi ghế nóng BIDV, đã 2 lần có tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt.

Đầu năm 2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt cùng lúc với tin đồn Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá USD đã khiến TTCK lao dốc (ở vào thời điểm VN-Index đang ở đỉnh cao thập kỷ), giá vàng, USD đồng loạt tăng. TTCK cùng ngày đã giảm chung khoảng 4%, bốc hơi khoảng 1,6 tỷ USD trên cả 2 sàn Chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.

Ở vào thời điểm đó, Các nhà đầu tư gọi điện khắp nơi hỏi thông tin và bán tháo cổ phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư bán theo tâm lý đám đông, bán vì thấy thị trường giảm mạnh không hiểu chuyện gì sẽ đến.

Sau vụ việc, ông Hà cho rằng nhiều khả năng có tung tin để trục lợi từ đó, nhất là sau những diễn biến về bắt bầu Kiên và những lùm xùm liên quan đến một số lãnh đạo ngân hàng khi đó. Theo ông Hà, những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính.

Đỉnh điểm là vào ngày 9/8/2017, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng chìm trong biển lửa sau khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Chỉ trong một ngày, 1,8 tỷ USD vốn hoá “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán.

Tin đồn lần này rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông Hà có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng dưới thời Phạm Công Danh. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Hà nói vẫn bình thường. Ông Trần Bắc Hà không có mặt cả 3 lần tại tòa với tư cách người có nghĩa vụ liên quan trong đại án Phạm Công Danh vì đang điều trị bệnh ung thư.

Dưới thời Trần Bắc Hà, BIDV gặp 1 số vấn đề, đó là khoản nợ khổng lồ của CTCK Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Cũng khoảng thời gian ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu và có tin ung thư, vợ con nguyên chủ tịch BIDV đã đồng loạt rút khỏi vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp lớn. Từ ngày 27/12/2017 bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) không còn đảm nhiệm cương vị tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, đơn vị chủ sở hữu Khu nghỉ dưỡng 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn (Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhon).

Hồi đầu tháng 11/2017, con trai ông Trần Bắc Hà - Trần Duy Tùng cũng từ chức sếp lớn Cảng Quy Nhơn sau một thời gian nắm giữ chức vụ lãnh đạo tại doanh nghiệp quê nhà. Theo báo cáo của CTCP Cảng Quy Nhơn (QNP) khi đó, ông Trần Duy Tùng không còn tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kể từ ngày 1/10 sau khi có đơn xin từ chức hôm 22/9.

Trong 1 kết luận cuối tháng 5/2018, ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có những vi phạm rất nghiêm trọng và đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đó có sai phạm trong việc cho vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Theo H. Tú
VietnamNet

Ông Trần Bắc Hà: Năm tháng quyền lực, những lần tin đồn bị bắt - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm