Trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

(Dân trí) - Thời gian gần đây, có nhiều thông tin nói về sóng điện thoại và nhất là các trạm thu phát sóng di động (BTS) ảnh hưởng đến sức khỏe khiến người dân rất hoang mang. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh nhận định trên không có căn cứ, nhưng xem ra vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề.

Lần lượt các mạng di động S-Fone, CityPhone, Viettel rồi cả 2 mạng của VNPT khốn đốn trước thông tin sóng di động và các trạm BTS gây hại cho sức khỏe người dân dù kết quả đo kiểm của các cơ quan chức năng đều tuyên bố đạt tiêu chuẩn. Sự việc buộc Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ đã phải vào cuộc.

Trước những phản ứng gay gắt của một số hộ dân, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y Tế) đã cùng các cơ quan chức năng tiến hành đo kiểm tra an toàn bức xạ tại các khu vực đặt trạm phát sóng. Kết quả cho thấy mức bức xạ điện từ trường cạnh trạm phát sóng Viettel ở mức 0,0 đến 0,5mW/cm2 và Cityphone là 0,0-1,73mW/cm2. Trong khi đó mức tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam là <10 mW/cm2.

Theo dự kiến, trong năm 2006, sẽ có hàng nghìn trạm BTS của nhiều nhà cung cấp như VinaPhone, MobiFone, Viettel Mobile, Hanoi Telecom, EVN Telecom... mọc lên khắp nơi tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

 

Với một số lượng lớn các trạm BTS sẽ được lắp mới như vậy, xem ra sẽ còn nhiều câu chuyện về ảnh hưởng tới sức khỏe người dân (?!).

Theo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ BCVT), tiêu chuẩn về quản lý an toàn đối với sóng điện từ của Việt Nam cao gấp 2 lần tiêu chuẩn của Ủy ban Quốc tế về phòng chống bức xạ Ion hóa - ICNIRP (được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều Quốc gia khuyến nghị áp dụng).

"Các kết quả đo đối với một số trạm BTS của Viettel, CityPhone, S-Fone, VinaPhone... mà chúng tôi nhận được trong thời gian qua đều nhỏ hơn mức cho phép theo TCVN 8217-1:2005” - Ông Nguyễn Minh Dân, Vụ trưởng cho biết. Cũng theo tính toán của Vụ này, người dân đang sống xung quanh khu vực có trạm BTS hiện vẫn nằm xa phạm vi có thể bị ảnh hưởng.

Ông Bùi Mạnh Hải, thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ trong công văn số 616/BKHCN-KHCNN gửi Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ: “Qua các kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài về ảnh hưởng của các hệ thống thông tin di động được thống kê đến thời điểm này, có thể kết luận rằng chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm BTS và các thiết bị điện thoại di động gây ảnh hưởng có hại cho con người”.

Với chức năng quản lý ngành, Bộ BCVT trong công văn số 115/BBCVT-KHCN cũng khẳng định: Các tiêu chuẩn nói trên được áp dụng rộng rãi cho hơn 500 nhà khai thác, phục vụ hàng tỷ thuê bao ở 206 nước/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Nhưng cho đến nay, ở Việt Nam và cả thế giới, chưa có bất kỳ trường hợp nào được ghi nhận là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do sóng điện từ của trạm gốc thông tin di động đối với người sử dụng và người dân ở gần trạm gốc.

Về phần mình, các doanh nghiệp thông tin di động cũng tự đánh giá mật độ đặt các trạm BTS tại các thành phố lớn trên thế giới hiện cao gấp nhiều lần so với mật độ tại Hà Nội và TPHCM hiện nay. Đơn cử như tại Hồng Kông, mật độ các trạm phát sóng đang ở mức 73 trạm/km2.

Nhìn ra thế giới, theo báo cáo của WHO thì hiện chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra được ảnh hưởng của sóng điện thoại di động hoặc các trạm BTS gây hậu quả không tốt đến con người. Thông tin của Cơ quan an toàn hạt nhân và phòng chống bức xạ nhiệt Australia cũng cho thấy: “không có đủ sở cứ để khẳng định việc ảnh hưởng của sóng điện thoại di động cũng như tác động của các trạm BTS.

Để chứng minh, cơ quan này đã đưa ra các tiêu chí: Chưa có bằng chứng phản ứng lượng bức xạ; Chưa có bằng chứng về cơ chế sinh học gây ra bệnh ung thư hay những căn bệnh khác; Những tài liệu khoa học về sự bức xạ sóng điện thoại và những ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ con người đến nay không đồng nhất.

Ngoài ra các Tổ chức Quốc tế khác như Ủy ban Kinh tế Hà Lan, Tổng Kiểm toán Mỹ, Liên minh Viễn thông thế giới… cũng đưa ra những kết luận tương tự.

Tuy nhiên, nhằm củng cố lòng tin của người dân về mức độ an toàn của các trạm phát sóng mạng di động, hiện tại, Viện Y học Lao Động và Vệ sinh Môi trường (Bộ Y tế) vẫn đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn Vệ sinh bức xạ đối với các nguồn điện từ trường đặt trong dân cư.

Các doanh nghiệp viễn thông di động cho biết: khi thực hiện khảo sát lắp đặt các trạm phát sóng BTS, họ thường chọn 3-4 hộ dân tại một vị trí. Tuy nhiên, sau khi xem xét, họ chỉ chọn một hộ dân để thuê vị trí lắp đặt với mức chi phí từ 2 triệu đến 12 triệu.

Điều này đã gây nên những bức xúc của những hộ dân “kém may mắn” và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận người dân thiếu thiện chí với các trạm phát sóng di động tạo tâm lý và dư luận xấu về các trạm BTS.

Minh Tuấn