Trái phiếu doanh nghiệp BĐS: Lợi hay hại?

(Dân trí) - Ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản (BĐS), muốn huy động vốn từ khách hàng thì cần phải chờ xây xong phần móng… Vấn đề huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp được đặt ra nhưng lại trong một cơ chế pháp lý hết sức mong manh.

Huy động vốn đang được coi là vấn đề bức xúc hiện nay đối với các chủ đầu tư trong lĩnh vực BĐS. Xung quanh vấn đề này, báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

Tăng lãi suất cho vay đang trở thành một chính sách đe doạ nhiều nhà đầu tư kinh doanh BĐS, bởi ngân hàng là nơi mà họ luôn trông chờ để có được những khoản vay lớn cho công việc đầu tư. Ông nghĩ sao về việc này?

Đúng vậy! Trong giai đoạn bây giờ, việc vay ngân hàng để đầu tư cho BĐS là khó. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ khách hàng lại bị giới hạn bởi nhà đầu tư chỉ được huy động vốn sau khi xây xong phần móng.

Huy động vốn của khách hàng thì có hai kiểu. Một là huy động vốn theo hợp đồng mua bán nhà ở trong tương lai. Nghĩa là chủ đầu tư sẽ thu tiền khách hàng trước (tất nhiên là sau khi đã xây xong móng - PV) và không trả lãi.

Thứ hai là huy động vốn theo kiểu góp vốn để xây dựng sau này được chia lợi nhuận hoặc được quyền mua nhà và bây giờ người ta đang làm theo cách ấy.

Trên thế giới, người ta còn khuyến khích huy động vốn từ các nguồn vốn khác. Ví dụ như từ các quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tiết kiệm nhà ở, trái phiếu công trình. Trong đó, vấn đề phát hành trái phiếu ở Việt Nam cũng đã được luật pháp quy định.

Đồng thời các nhà đầu tư cũng phải biết liên doanh, liên kết để huy động và tập trung nguồn lực (kể cả từ doanh nghiệp nước ngoài), biết chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Có như vậy mới có thể giải được bài toán nhu cầu vốn trước mắt cũng như lâu dài.

Điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất đơn giản, chỉ cần có thời gian hoạt động đủ 1 năm và kinh doanh có lãi. Điều này cho thấy việc mua trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay và người mua trái phiếu cũng phải tìm hiểu kỹ năng lực của Công ty cũng như chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tất nhiên Nhà nước cũng phải có khung pháp lý minh bạch trong vấn đề này.

Như vậy nếu chúng ta cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ có những doanh nghiệp lợi dụng huy động vốn từ các dự án sau đó họ bỏ trốn hoặc tìm cách thoát thân?

Thủ tướng vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và BĐS. Điểm đáng chú ý là Ban chỉ đạo này có sự tham gia của nhiều Bộ ngành bởi trên thực tế vấn đề BĐS liên quan đến nhiều lĩnh vực như tín dụng, thuế, đất đai rồi cơ chế tài chính…

Như vậy, sự chỉ đạo sẽ đồng bộ và tập trung hơn thông qua các chính sách và công cụ điều hoà, toàn diện hơn.

Riêng đối với vấn đề báo Dân trí vừa nêu, sắp tới Ban chỉ đạo Trung ương sẽ có kế hoạch chỉ đạo Bộ Tài chính đưa ra cơ chế để quản lý các nguồn huy động vốn. Có thể sẽ phải có quy định riêng về vấn đề trái phiếu trong lĩnh vực BĐS.

Còn một ý kiến nữa, chúng ta có nên sửa đổi Luật nhà ở để tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn từ khách hàng không, thưa ông?

Có một thực tế là hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực BĐS của ta còn đang rất mỏng. Và không thể ngay tức thời, các cơ quan hành chính lại đưa ra các quy định mới vì nếu vội quá có khi sẽ phản tác dụng.

Hệ thống pháp luật cần phải được khảo sát, nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành dần dần. Bây giờ có Ban chỉ đạo trung ương như tôi đã nói, hi vọng việc ban hành các quy chế chính sách trong lĩnh vực BĐS sẽ đồng bộ hơn.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương