Trái cây ngoại nhập: Đắt thì đã rõ...
Lợi nhuận lớn và nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng đã thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu trái cây cao cấp về phân phối. Giá bán cao hơn thì đã rõ, nhưng liệu chất lượng và độ an toàn có cao tương xứng hay không lại là chuyện không phải ai cũng biết.
Lợi nhuận cao
Nếu nhìn vào sự chênh lệch giá của trái cây ngoại nhập tại lúc xuất xưởng so với khi đến tay người tiêu dùng, có thể thấy kinh doanh trái cây nhập khẩu mang lại lợi nhuận không nhỏ. Chẳng hạn, 1 kg cherry tại Mỹ có giá chỉ 3 USD (hơn 60.000 đồng), nhưng khi về tới Việt Nam, giá bán có thể đội lên tới 10 lần, dao động từ 18-30 USD (khoảng 600.000 đồng).
Cả nước hiện có trên 10 nhà nhập khẩu trái cây. Riêng tại TP.HCM, có 5 nhà nhập khẩu lớn như Bình Thuận, Bích Phượng, FSF... Trong đó đơn vị khống chế thị trường là Bình Thuận với thị phần trái cây nhập khẩu bằng đường biển chiếm 40%. Năm 2010, chỉ riêng Bình Thuận đã nhập 7.000 tấn trái cây, trị giá 6,2 triệu USD (khoảng 124 tỉ đồng).
Nếu nhập bằng đường hàng không, trái cây sẽ tươi hơn nhưng chi phí đắt gấp nhiều lần so với nhập bằng đường biển. Do người tiêu dùng không biết nên thường phải trả giá rất cao khi mua trái cây dù được nhập bằng phương thức nào.
Ông Huy cho biết quy trình bảo quản được thiết lập từ khi trồng, đóng gói tại nước xuất khẩu. FSF cử người đến các nông trại trồng trái cây để kiểm tra quy cách trồng, xử lý và bảo quản trái cây sau thu hoạch. Khi về đến Việt Nam, trái cây được đưa ngay vào kho lạnh trước khi xuất kho. Khoảng 95% lượng trái cây của FSF được phân phối sỉ cho các siêu thị như Metro, Big C, các sạp trái cây tại chợ Bến Thành và các nhà hàng, khách sạn. FSF chỉ bán lẻ khoảng 5%.
Những lắt léo với trái cây nhập khẩu
Dạo qua một vài nơi bán trái cây ngoại nhập vào thời gian này và hỏi mua nho Mỹ, cửa hàng nào cũng sẵn có. Khách mua vẫn tin rằng mình đã mua được loại quả ngon mà không hề biết nho Mỹ đã hết mùa từ tháng 11 năm trước. Nho Mỹ đang bán được nhập từ Úc, quả nhỏ hơn và rẻ hơn nhiều so với nho Mỹ.
Như vậy, nếu người bán khẳng định là nho Mỹ thì chỉ có thể xảy ra 2 khả năng, hoặc họ đánh lừa người mua, hoặc nho đã được chích thuốc bảo quản nên mới giữ được lâu như vậy (thời gian bảo quản tối đa đối với nho trong điều kiện chuẩn không quá 1 tháng).
Cũng là trái cây ngoại nhập nhưng nguồn gốc đã bị người bán nhập nhèm. Đó là chưa kể, bên cạnh trái cây nhập khẩu theo đường chính ngạch, không ít loại trái cây đang lưu thông trên thị trường được nhập theo đường tiểu ngạch (từ Trung Quốc) vốn rất khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm. Nghiêm trọng hơn, việc làm tem, nhãn mác giả là không khó nên trái cây kém chất lượng đội lốt trái cây sạch cũng nằm trên kệ bên cạnh các giống trái cây uy tín.
Theo một nhà nhập khẩu trái cây (không muốn nêu tên), công tác kiểm định chất lượng trái cây ngoại nhập khá lỏng lẻo bởi chính những người kiểm định cũng không hiểu biết hết về các loại trái cây. Thông thường, công tác kiểm định chỉ dừng lại ở việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác chứ không giám sát được quá trình sản xuất. Đáng ngại hơn, người kiểm định nhiều khi cũng không biết người trồng có sử dụng hóa chất gì, thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình trồng và bảo quản để phân tích xem có dư lượng chất độc hại hay không.
Nhà nhập khẩu trái cây này tiết lộ, hiện nay rất ít nhà nhập khẩu chọn các đơn vị cung cấp uy tín. Thay vào đó, có đến 70% các nhà nhập khẩu chọn cách gom hàng tại các chợ đầu mối của nước xuất khẩu nên chất lượng trái cây trước khi thông quan khó được đảm bảo. Điều này mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nhập khẩu. Tất nhiên, người tiêu dùng sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Như vậy, người tiêu dùng rất khó biết trái cây mình đang trả giá cao có thực sự cao cấp hay không. Còn những nhà nhập khẩu, muốn chứng minh trái cây của mình là sạch và an toàn thì phải tự tìm cách lấy được lòng tin của khách hàng. Trong khi chờ đợi, trái cây ngoại nhập vẫn ngày ngày xuất hiện khắp nơi với giá bán cao và vẫn đắt hàng.
Theo Lê Dung
Nhịp cầu Đầu tư