1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ cá ba sa bị cấm bán tại một số tiểu bang Mỹ:

Trách nhiệm Bộ Thủy sản ở đâu?

Trước sự kiện một số tiểu bang của Mỹ áp dụng lệnh ngừng bán sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, ngày 23/8, ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh An Giang bức xúc:

"Việc Mỹ lấy lý do dư lượng dòng kháng sinh Fluoroqinolones cao để cấm cửa sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi sản phẩm của một số nước thì bỏ qua rõ ràng là hành vi không đẹp chút nào. Nhưng qua sự kiện này đã đặt ra hàng loạt vấn đề mà về phía ta cần phải xem xét lại.

Xin hỏi Bộ Thủy sản và Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tại sao không cảnh báo cho ngư dân rằng không được dùng loại kháng sinh này? Bởi thực ra đến ngày 18/8/2005 - tức sau khi một số bang của Mỹ ra lệnh ngừng bán sản phẩm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam - thì Bộ Thủy sản mới ban hành Quyết định 26/2005/QĐ-BTS công bố danh mục 11 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroqinolones cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.

Còn trước đó, tại Quyết định 07/2005/QĐ-BTS của Bộ Thủy sản (ban hành tháng 2/2005) chỉ khuyến cáo hạn chế sử dụng chất kháng sinh này (chứ không cấm hẳn)".

Thông tin về sự kiện trên thực sự gây sốc cho nhiều ngư dân và doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hàng loạt nhà máy ngưng thu mua; trong khi ngư dân ùn ùn kêu bán, dẫn đến giá cá nguyên liệu chiều 23/8 đã tụt xuống còn 10.000 - 10.200đ/kg.

Ông Đặng Văn Phước, ngư dân có thâm niên và quy mô nuôi cá tra, ba sa xuất khẩu vào loại nhất, nhì ở huyện Châu Phú (An Giang) lo lắng: "Giá thành cá tra nuôi hầm bét lắm cũng 9.000 - 10.000 đ/kg; còn nếu nuôi bè thì đội lên đến 12.000 đ/kg, như vậy với giá cả như hiện nay hàng loạt ngư dân sẽ tiếp tục bị phá sản. Nguyên nhân từ đâu? DN ép giá hay sự quản lý yếu kém của Nhà nước".

Không riêng gì ông Phước mà ngay cả ông Nguyễn Hữu Nguyên, ngư dân có chân trong Ban chấp hành Hội Nghề cá tỉnh An Giang cũng bức xúc: "Ngư dân chúng tôi thua thiệt trăm bề, chấp nhận cho DN bao bệnh, bao màu, bao ký sinh mà vẫn không bán được cá. Thử hỏi trách nhiệm quản lý nhà nước nằm ở đâu?".

Năng lực chế biến của 21 DN xuất khẩu thủy sản khu vực ĐBSCL vào khoảng 1.000 tấn cá nguyên liệu/ngày; trong đó riêng tỉnh An Giang chiếm khoảng 50%. "Tôi biết có DN lượng hàng tồn kho đã lên đến vài chục tỉ đồng. Những ngày này chỉ còn một vài DN ở thành phố Long Xuyên và thị xã Sa Đéc còn duy trì sức mua.

Nhiều ngư dân đến kỳ thu hoạch không bán được cho nhà máy, phải mang ra chợ... bán lẻ lấy tiền mua thức ăn duy trì số còn lại" - một DN chế biến thủy sản ở Long Xuyên cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Khánh đề nghị: "Bộ Thủy sản và VASEP phải đứng ra xúc tiến thị trường mới; liên kết nhau để nâng giá, nâng chất lượng, không thể để tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh bằng việc hạ giá bất hợp lý, dẫn đến hành vi pha trộn sản phẩm kém chất lượng, gây mất uy tín chung cho con cá tra, ba sa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ngư dân và DN cũng cần xây dựng mối quan hệ gắn bó để thiết lập vùng nguyên liệu ổn định và đạt yêu cầu chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu".

Theo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm