TPHCM: Rau muống ngậm hóa chất, người dân vẫn vô tư ăn

(Dân trí) - Hóa chất công nghiệp, dùng để nhuộm, in quần áo nhưng lại dùng để "tẩm" vào rau muống. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay trên địa bàn TPHCM nhưng vẫn chưa có hướng ngăn chặn cụ thể.

Từ ngộ độc cấp tính đến ung thư

Ngày 9/9, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TPHCM) phát hiện và xử phạt 3 cơ sở sản xuất ở huyện Củ Chi vì hành vi ngâm 1,5 tấn rau muống vào hóa chất độc hại, đem bán cho người tiêu dùng.

Khai nhận với cơ quan điều tra, ba chủ cơ sở trên đều thừa nhận mua hóa chất từ chợ Kim Biên với giá hơn 300.000 đồng/kg. Sau khi bào, số rau muống đó sẽ được ngâm vào nước có hóa chất để giữ được màu xanh đẹp rồi mới đưa ra thị trường. Trung bình, mỗi hộ cung cấp cho các mối kinh doanh từ 400 đến 700kg/ngày. Theo cơ quan điều tra, đáng chú ý, hóa chất dùng để ngâm rau muống là những nguyên liệu được dùng trong việc nhuộm, in quần áo… và thời gian các chủ cơ sở thực hiện hành vi này đã kéo dài trong 2 năm nay.

Rau muống bào không dùng hóa chất rất khó bảo quản trong ngày
Rau muống bào không dùng hóa chất rất khó bảo quản trong ngày

Với diện tích ruộng rau muống lớn, Củ Chi hiện được xem là “thủ phủ” của rau muống nước, cung cấp cho gần như toàn bộ thị trường TPHCM. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, rau muống, món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam, trồng tại địa phương này bị đem ra đầu độc.

Đầu năm 2016, trong chuyến kiểm tra đột xuất, PC49 cũng đã phát hiện tình trạng tưới nhớt cho rau muống đang trồng cũng như ngâm hóa chất trước khi đem ra thị trường tại khu vực xã Mỹ Bình, huyện Củ Chi. Những hộ dân vi phạm đã bị xử lý hành chính. Đáng tiếc, chỉ sau một thời gian gắn, tình trạng này đã lặp lại. Kết quả kiểm tra dư lượng kim loại trên số rau muống ngâm hóa chất lần này rất đáng quan ngại: hàm lượng kẽm 5,5%, hàm lượng đồng trên 93 miligam/kg.

“Cơ thể con người chỉ có thể đào thải 0,5 miligam/kg thực phẩm. Quá ngưỡng an toàn này, cơ thể sẽ không thể đào thải, gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tình trạng ói, mửa liên tục. Với những người có thể trạng kém, ngộ độc kim loại có thể dẫn đến tử vong”, TS hóa học Phạm Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu Tâm Đức khẳng định.

Theo TS Hiếu, nguy cơ thứ hai của việc dùng rau ngậm hóa chất này nếu không được cơ thể đào thải thì kim loại sẽ tích vào các mô, làm cho quá trình trao đổi chất giữa các mô không bình thường, dẫn đến ung thư và các nguy hại khác.

Rau vừa xanh vừa mềm, dai: Chắc chắn ngậm hóa chất

Thạc sỹ Trần Hải Đăng, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Đại học Nha Trang cho biết, việc ngâm hóa chất trong rau muống lần này cũng như việc măng ngâm chất Vàng Ô, hóa chất được nhập khẩu về từ nước ngoài, có công dụng để nhuộm màu sợi vải hoặc được sử dụng làm nguyên liệu quét tường trong ngành xây dựng. Ngoài tác hại gây ung thư, các loại hóa chất này còn gây hại các tế bào gan, thận và tủy xương. Do vậy, người dân phải đặc biệt chú ý trong chọn lựa.

Người dân vẫn vô tư ăn rau muống bào
Người dân vẫn vô tư ăn rau muống bào

“Rau muống bào ngâm hóa chất ở các cơ sở chủ yếu sẽ được bỏ về các đầu mối, cung cấp trực tiếp cho các quán ăn nên sẽ ít đường về các chợ”, chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương kinh doanh rau quả chợ Bàn Cờ phân tích. Quan sát tình hình tiêu thụ rau muống ở chợ trong hai ngày vừa qua, chị Hường cho biết, người mua đã bắt đầu cẩn thận hơn với món rau này nên người bán chỉ bảo sẵn một ít. Khách mua thường chọn rau muống cọng rồi nhờ người bán bào tận mặt.

“Loại rau này khó bảo quản, bào xong lại dễ đen, khách không thích. Nếu không dùng hóa chất thì cũng phải dùng chanh và muối để giữ màu cho rau”, chị Hường nói. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể có tác dụng khi rau còn ngâm trong nước. Để rau muống bào khô, dễ vận chuyển và bảo quản mà vẫn không bị đen, hư từ sáng đến chiều tối, phục vụ các quán ăn thì chỉ có cách là dùng hóa chất.

“Rau muống chẻ xong, gạt hết nước cũng sẽ hơi thâm nhẹ và màu rau muống xanh vừa vừa hoặc trắng hoặc tím tùy loại rau. Chắc chắn xanh mướt là đã “ngậm” hóa chất”, một chuyên gia trồng và cung cấp rau hữu cơ khẳng định. Theo vị chuyên gia này, rau muống có ngâm thuốc tuy xanh đẹp nhưng chắc chắn sẽ mềm hơn, không có độ giòn của rau muống như bình thường. Dựa vào đặc điểm này, người mua có thể phân biệt để tránh việc “rước” hóa chất vào người.

Phương Quyên