TPHCM giảm 50% giá thuê sạp: Tiểu thương các chợ vẫn "mù" thông tin

Đại Việt

(Dân trí) - Nhiều tiểu thương tại TPHCM vẫn chưa nắm bắt được thông tin giảm 50% giá thuê sạp. Trong khi đó, ban quản lý chợ cũng chưa nhận được các hướng dẫn cần thiết từ các cơ quan liên quan.

TPHCM giảm 50% giá thuê sạp: Tiểu thương các chợ vẫn mù thông tin - 1

Nhiều tiểu thương ở TPHCM vẫn chưa tiếp nhận thông tin giảm 50% giá thuê sạp trong 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Đại Việt

Bà Nguyễn Thị Hà, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Hòa Hưng (quận 10) cho biết, bà cũng chưa nghe thông tin về việc giảm 50% giá thuê sạp. Tuy nhiên, nếu được giảm giá thuê thì bà rất vui.

"Năm nay dịch bệnh nên tiểu thương chúng tôi làm ăn rất khó khăn. Nếu được giảm tiền thuê sạp thì tiểu thương vô cùng cảm ơn chính quyền thành phố. Mỗi năm chúng tôi đóng tiền thuê sạp cả chục triệu đồng, tùy vào diện tích. Nếu được giảm giá thuê 50% trong 6 tháng thì cũng hỗ trợ được tiểu thương rất nhiều", bà Hà nói.

Theo bà Hà, trước khi xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày bà bán hàng trăm kg thịt lợn. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày bà chỉ bán hết 70 kg thịt lợn. Việc kinh doanh cũng vất vả hơn trước rất nhiều.

Chị Trần Thị Vân, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) chia sẻ, chị cũng chưa nghe thông tin về việc giảm 50% giá thuê sạp vì chị bận buôn bán.

"Nhiều tiểu thương bán gần tôi cũng chưa nghe thông tin giảm giá sạp. Chắc là thông tin mới nên tiểu thương cũng chưa nắm bắt hết", chị Vân nói.

Còn theo chị Nguyễn Thị Ngọc Phương, tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Phú Lâm (quận 6) cho biết, chị cũng chưa nghe thông tin giảm giá tiền thuê sạp. Hợp đồng thuê sạp của chị kéo dài 20 năm và sẽ hết hạn vào tháng 11/2021.

"Năm 2020, chúng tôi kinh doanh mỹ phẩm rất khó khăn. Doanh thu giảm khoảng 70% so với năm 2019. Nếu giảm tiền thuê sạp thì chúng tôi cũng không biết giảm bằng cách nào, phương thức giảm ra sao vì tôi đã đóng tiền thuê sạp 20 năm", chị Phương nói.

Ghi nhận của PV Dân trí, nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn chưa nắm bắt thông tin về việc giảm giá thuê sạp.

TPHCM giảm 50% giá thuê sạp: Tiểu thương các chợ vẫn mù thông tin - 2

Việc giảm giá thuê sạp cũng sẽ hỗ trợ một phần cho tiểu thương trong thời buổi khó khăn vì dịch bệnh. Ảnh: Đại Việt

Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1) cho biết, ban quản lý chợ này đã tiếp nhận thông tin giảm 50% giá thuê sạp cho tiểu thương từ các phương tiện truyền thông, báo chí. Tuy nhiên, ban quản lý chợ vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về vấn đề này từ các cơ quan chức năng liên quan.

Theo Sở Công Thương TPHCM, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại các chợ truyền thống, sức mua giảm mạnh từ 50% - 80% khiến tiểu thương gặp nhiều khó khăn.

Tại các chợ truyền thống chuyên phục vụ khách du lịch như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây… sức mua giảm từ 80% - 90% do chính sách không mở cửa đối với du khách. Tuy nhiên, các chợ vẫn hoạt động để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Cũng theo Sở Công Thương TPHCM, giá thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ có tác động khá lớn đến giá cả thị trường. Do đó, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ thuộc trường hợp là giá dịch vụ thiết yếu.

Chính vì vậy, Sở Công Thương đã đề xuất với UBND TPHCM để giảm giá tiền thuê sạp tại các chợ truyền thống trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2020 với mức giảm là 50%.

TPHCM giảm 50% giá thuê sạp: Tiểu thương các chợ vẫn mù thông tin - 3

Sở Công Thương TPHCM đã đề xuất giảm giá thuê sạp cho tiểu thương chợ truyền thống vì sức mua ở chợ sụt giảm. Ảnh: Đại Việt

UBND TPHCM đã đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương và giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện giảm tiền thuê sạp chợ trên địa bàn trong 6 tháng cuối năm 2020.

Nguồn kinh phí hoạt động của chợ trong thời gian giảm thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được cân đối từ nguồn thu và các quỹ (quỹ dự phòng ổn định thu nhập, quỹ phúc lợi) của đơn vị để đảm bảo các hoạt động thường xuyên trong thời gian miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

Trong trường hợp nguồn thu và các quỹ tại chợ không đảm bảo cho việc hỗ trợ tiểu thương thì UBND quận, huyện cấp bù phần kinh phí còn thiếu cho ban quản lý chợ.

Trong trường hợp ngân sách quận, huyện gặp khó khăn, không cân đối được nguồn thì UBND quận, huyện phải báo cáo, đề xuất Sở Tài chính trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm