1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM: Đường sắp lên… sàn

(Dân trí) - Sau cây điều, Công ty cổ phần giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) chuẩn bị đưa sản phẩm đường lên... sàn giao dịch. Theo đó sản phẩm đường sẽ được mua bán tập trung qua hệ thống giao dịch điện tử, uy tín và bảo mật.

TPHCM: Đường sắp lên… sàn - 1
Các doanh nghiệp tìm hiểu về cách thức hoạt động sàn giao dịch đường sáng nay.

Phát biểu tại hội thảo “Sàn giao dịch Đường” sáng 30/3, ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sacom-STE cho rằng, việc ra đời Sàn giao dịch Đường sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn thông qua việc tạo nên một môi trường kinh doanh chuyên nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ được bảo hiểm giá, từ đó giảm thiểu những rủi ro khi giá đường trên thị trường biến động. Tự mình có thể xây dựng được kế hoạch sản xuất, chế biến và tiêu thụ ổn định, lâu dài hơn. Đồng thời, người nông dân trồng mía có thể định ra mức giá bán nguyên liệu đầu vào hợp lý hơn, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Ông Hùng nhấn mạnh sản phẩm đường lên sàn không phù hợp với những người đầu cơ mà chỉ đảm bảo giúp các doanh nghiệp mua và bán an tâm và ổn định về giá cả. Đường là loại sản phẩm không biến động giá lớn nên sẽ không thể đưa lại lợi nhuận cao như vàng, vì thế các tổ chức, doanh nghiệp cần hiểu rõ trong quá trình giao dịch.

Tuy có nhiều ưu điểm như thế nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra quan ngại về hiệu quả khi tham gia sàn giao dịch đường. Với sản phẩm đường, các yếu tố như chất lượng, thương hiệu, mẫu mã… luôn có sự thay đổi và được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, muốn làm tốt cần có sự tính toán thật kỹ.

Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, chỉ tiêu phát triển của ngành Đường trong năm 2010 là 1,5 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 4,5%, nên tổng nhu cầu tiêu thụ đường trong năm 2010 ước vào khoảng 1,51 triệu tấn.

Qua đó, dự báo tình trạng cung không đủ cầu có thể tiếp diễn. Nếu tình hình sản xuất và thu mua mía của các nhà máy không được cải thiện, nguồn nguyên liệu mía không đáp ứng đủ cho các nhà máy thì vẫn có sự cạnh tranh khốc liệt ở đầu vào giữa các doanh nghiệp, cũng như khiến các nhà máy không ngừng đẩy giá thu mua mía lên cao.

Hoài Lương