TPHCM có “thung lũng Silicon" 1,5 tỷ USD

(Dân trí) - Hôm qua (30/8), dự án Sai Gon Silicon City Center đã được khởi công tại TP HCM. nhằm thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Tổng đầu tư cho dự án khi lấp đầy khoảng 32.250 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Lễ khởi công dự án Sai Gon Silicon City Center
Lễ khởi công dự án Sai Gon Silicon City Center

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Silicon City cho biết, Saigon Silicon City được cấp giấy chứng nhận chủ đầu tư vào ngày 27/4/2014 và động thổ ngày 10/11/2015. Saigon Silicon City cũng được thành phố San Francisco cấp giấy chứng nhận trực thuộc mô hình Silicon Valley (Mỹ).

Theo ông Hiếu, mục đích của việc xây dựng dự án này là nhằm thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Ông Hiếu cũng cho hay, tổng đầu tư cho dự án khi lấp đầy khoảng 32.250 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Mục tiêu xây dựng dự án Saigon Silicon City Center nhằm nghiên cứu, phát triển công nghệ, kết nối cộng đồng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao của người Viêt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn quốc tế về hợp tác, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ.

Ông Hiếu nhận định, dự án trên được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao, giúp TPHCM nói riêng và nước ta nói chung có thể rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo, chính quyền và nhân dân thành phố đang nỗ lực tập trung để sớm đưa TPHCM sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Nhằm thực hiện mục tiêu đó, lãnh đạo thành phố đang ưu tiên tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ sinh học, dành nguồn lực phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo.

Theo ông Liêm, hiện tại, TPHCM có khoảng 400.000 kiều bào trí thức đang định cư ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ cao (chiếm 10% số lượng người Việt Nam ở nước ngoài). Ông Liêm cho rằng đây là một trong những nguồn lực quý giá góp phần quan trọng vào sự thu hút và phát huy để đạt được mục tiêu nêu trên.

Theo đó, dự án này có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, chuyển giao, phát triển khoa học công nghệ và tạo ra sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam, tạo nên giá trị gia tăng mới cho khu công nghệ cao nói riêng và thành phố nói chung. Chính vì vậy, dự án được các kiều bào trí thức đầu tư phù hợp với chủ trương phát huy nguồn lực là người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước, thể hiện nguyện vọng chính đáng của các kiều bào dành cho thành phố.

“Đề nghị Ban quản lý khu công nghệ cao thành phố tiếp tục gắn bó, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình xây dựng dự án, xem dự án này giống như dự án của chính mình để đảm bảo hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, phát huy hiệu quả, sớm hình thành một đô thị văn minh theo mô hình thung lũng Silicon”, ông Liêm nói.

Công Quang