TPHCM có thể trở thành “bản sao” của Singapore nhờ... bất động sản?
(Dân trí) - Mặc dù có diện tích tương đương với Singapore nhưng TPHCM còn chậm phát triển hơn trong việc “thay áo mới” cho đô thị. Theo đó, để TPHCM sánh ngang tầm với “người hàng xóm” thì việc đầu tư phát bất động sản là việc được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao.
Bất động sản TPHCM có lợi thế gì?
Vừa qua, tại Hội nghị Bất động sản 2016, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, mặc dù chỉ có diện tích tương đương TPHCM nhưng Singapore đã trở thành một quốc đảo đô thị, thuộc nhóm các nước phát triển hàng đầu của thế giới. Trong khi đó, “Hòn ngọc Viễn Đông” vẫn chỉ đang “thậm thò trỗi dậy”. Đáng tiếc, TPHCM đang sở hữu những lợi thế “có một không hai” để phát triển bất động sản (BĐS) nhưng lại chưa thể “sánh vai” cùng “người hàng xóm”.
Số liệu thống kê cho thấy, TPHCM hiện có 12 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Không chỉ vậy, khu vực này còn thu hút rất đông người nước ngoài đến làm việc và sinh sống, như: có 80.000 người Hàn Quốc (trong tổng số 140.000 người trong cả nước), 8.000 người Nhật, 3.000 người Singapore, 1.200 người Đức... Đặc biệt, TPHCM còn là một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, là đầu mối giao thương quan trọng của cả nước và khu vực nên cũng là địa bàn hấp dẫn đầu tư. Hơn nữa, TPHCM còn có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước với dân số tăng trung bình mỗi năm tương đương dân số một quận. Đây chính là những lợi thế giúp BĐS “thăng hoa”.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation còn cho rằng, TPHCM đang đứng trước nhiều cơ hội mới khi Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Điển hình, nước ta đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc gia nhập WTO, đã tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đã ký Hiệp định FTA với Hàn Quốc, với Cộng đồng EU… Chính điều này đã mở ra triển vọng thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư của quốc tế vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Vì thế, TPHCM cần phải nhanh chóng tận dụng thời cơ và khẩn trương đẩy mạnh phát triển BĐS nhằm hiện thực hóa mục tiêu giúp “Hòn ngọc Viễn Đông” phát triển vươn tầm thế giới.
“Đây là giai đoạn hết sức thuận lợi để thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ. Nhìn tổng quát thì đầu tư vào BĐS sẽ mang lại hiệu quả ổn định trong trung hạn và dài hạn”, bà Mẫu nói.
“Mở đường” để… “lột xác”
Nhằm “thay da đổi thịt”, TPHCM đã đưa ra 7 chương trình đột phá, trong đó có "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị" bao gồm: "Chương trình chỉnh trang đô thị cũ" và "Chương trình phát triển khu đô thị mới" giai đoạn 2015-2020 và có thể kéo dài đến vài thập niên. Do vậy, đầu tư vào thị trường BĐS cả trong ngắn - trung và dài hạn đều có triển vọng rất lớn.
Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định rằng, từ năm 2013 trở lại đây, Việt Nam đã có sự đổi mới mạnh mẽ hệ thống pháp luật theo hướng tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh. Sự đổi thay đó đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài làm ăn với các cơ hội gần như ngang bằng nhau; cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà trong các dự án nhà ở thương mại…
Hiện nay, phân khúc BĐS cao cấp phát triển mạnh. Phân khúc BĐS nhà ở có giá vừa túi tiền cũng đang rất... "nóng". Ngoài ra, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang đầy triển vọng. Chưa hết, BĐS công nghiệp và văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ (officetel) đang nở rộ...
“Điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư nước ngoài thành công vào thị trường BĐS Việt Nam là cần lựa chọn được đối tác trong nước (local partners) có năng lực và đáng tin cậy. Nếu thu hút được ngồn vốn đầu tư lớn, tôi nghĩ ngành BĐS ở TPHCM sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa. Khi BĐS phát triển, tôi tin rằng, mục tiêu trở thành bản sao của Quốc đảo đô thị Singapore không còn là điều quá khó với TPHCM”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM gồm: “chỉnh trang đô thị cũ" và "phát triển các khu đô thị mới" với các đô thị vệ tinh trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Trong chương trình chỉnh trang đô thị cũ, TPHCM sẽ tiến hành xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng, trong đó ưu tiên xây dựng lại 474 chung cư hình thành trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, với mục tiêu giải quyết 50% số chung cư này từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, TPHCM sẽ tiến hành chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, di dời, tái định cư hơn 20.000 hộ dân; chỉnh trang các khu dân cư cũ lụp xụp ở nội thành.
Công Quang